Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nam Ô – khi ‘chỉ dẫn địa lý’ về làng

Cáp Kim - Bảo Hân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quyết định cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý nước mắm “Nam Ô”(số 437/QĐ-SHTT ngày 3-6) của Cục Sở hữu trí tuệ như đang thổi một luồng không khí mới cho ngôi làng chài cổ trăm năm tuổi của thành phố Đà Nẵng.

Dân làng và các doanh nghiệp địa phương chuyên nghề mắm truyền thống Nam Ô nay hào hứng hơn với chuyện làm ăn những ngày tới với các cơ hội mới trong một thị trường nơi các chỉ dẫn địa lý mắm Phú Quốc, Phan Thiết lâu nay riêng chiếm.

Cá được đánh bắt từ biển gần bờ.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và là một trong ba chỉ dẫn địa lý về nước mắm trên cả nước, bên cạnh nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết. Chứng nhận này sẽ giúp mở ra cơ hội mới cho Nam Ô - ngôi làng chài cổ thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với nghề làm mắm theo phương thức truyền thống.

Thêm nhiều việc để làm

Theo ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô - với chỉ dẫn địa lý, Nam Ô sẽ bước qua khoảng thời gian khó khăn trước đây trong việc định vị sản phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng trên cả nước sẽ biết được làng Nam Ô có một đặc sản là làm nghề nước mắm truyền thống và chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” giống như một sự công nhận về uy tín, danh tiếng, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

“Chúng tôi rất mừng khi nhận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Nam Ô. Đây là một hành lang pháp lý bảo vệ nước mắm Nam Ô truyền thống, để duy trì và phát huy hơn nữa. Tuy nhiên, bản thân hành lang pháp lý không thể giúp làng nghề phát triển vượt bậc nếu thành phố không có quy hoạch những khu để sản xuất, quảng bá, truyền cảm hứng cho người trẻ. Vì thế tôi nghĩ bên cạnh chỉ dẫn địa lý, vẫn còn cần nhiều nỗ lực khác để bảo tồn và phát huy giá trị của nước mắm”, anh Bùi Thanh Phú, chủ hãng sản xuất nước mắm Nam Ô - Hương Làng Cổ, chia sẻ.

Nước nắm Nam Ô được chế biến từ nguồn nguyên liệu là cá cơm Than và muối. Cá cơm Than sống ở tầng nổi được người dân địa phương đánh bắt trên vùng biển Đà Nẵng từ tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch (còn gọi là vụ mùa cá Nam) và từ tháng 7 đến tháng 8 Âm lịch (vụ mùa cá Bắc). Do vị trí địa lý gần vùng Cà Ná (Ninh Thuận) và vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), nên từ xa xưa, người làm mắm ở Nam Ô chỉ sử dụng muối lấy từ hai vùng này và truyền thống đó vẫn duy trì cho đến ngày nay.

Hỗn hợp cá cơm Than và muối được cho vào chum một lần duy nhất để ủ chượp, sử dụng phương pháp gài nén trong ba tháng đầu và đánh đảo trong thời gian còn lại để xương và thịt cá tan đều vào nhau. Sau thời gian ủ chượp (12-18 tháng), khi thấy nước có màu nâu cánh gián nổi lên là mắm chín thì đem lọc bằng phễu tre và vải.

Muốn sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô trên nhãn hàng đưa ra thị trường, các doanh nghiệp tại địa phương phải đáp ứng được các tiêu chuẩn được đặt ra. Theo anh Bùi Thanh Phú của Hương Làng Cổ, về yêu cầu kiểm tra nguyên liệu, doanh nghiệp phải chứng minh được: thứ nhất phải là cá cơm Than, thứ hai là chất lượng muối phải đảm bảo, thứ ba là thời gian muối đủ yêu cầu và thứ tư là lu, sành muối phải đủ tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, cách lọc mắm và kiểm tra mắm cũng phải được thực hiện nghiêm ngặt theo quy chuẩn đã được ban hành, anh Phú chia sẻ.

Nước mắm Nam Ô - Hương Làng Cổ là một trong những doanh nghiệp ở Nam Ô quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu nước mắm Nam Ô với nhãn hàng Hương Làng Cổ. Anh Phú cho hay doanh nghiệp anh đã dành sự đầu tư nghiêm túc trong việc xây dựng thương hiệu, như làm trang web, các bộ nhận diện thương hiệu, làm các chương trình trải nghiệm cho các TikToker, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội cho đến việc tham gia các hội chợ để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng, đối tác.

Hiện Hương Làng Cổ cũng là doanh nghiệp có tiếp đón đoàn khách tham quan xưởng sản xuất mắm chứ chưa hợp tác làm tour tham quan với phía doanh nghiệp du lịch dù rất muốn. Ngoài việc tăng cường các kênh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, họ mong có sự hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc cố vấn hoặc hướng dẫn để có thể phát triển làng mắm Nam Ô theo cách bài bản.

Nam Ô cần giúp để phát triển chứ không chỉ để tồn tại

Theo ông Trần Công Nguyên, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động xây dựng thương hiệu như vừa phát triển sản phẩm vừa kết hợp du lịch cộng đồng. Các sở, ban, ngành cũng hỗ trợ quay phim quảng bá và luôn đồng hành trong quá trình tư vấn, góp ý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô truyền thống.

Ở góc độ của doanh nghiệp, anh Bùi Thanh Phú cho biết bà con làng mắm Nam Ô nhận được nhiều hỗ trợ trong việc làm ăn từ chính quyền địa phương trong thời gian qua nhưng chính sách quan trọng nhất cần được đầu tư là phải đáp ứng được nơi sản xuất để giúp nước mắm Nam Ô “phát triển” chứ không chỉ “tồn tại”. Làng nghề cần có khu sản xuất tập trung cho bài bản và hợp với quy hoạch phát triển trong tương lai của thành phố.

Với tầm nhìn phát triển sản phẩm nước mắm kết hợp du lịch cộng đồng, chính quyền và người dân vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản. Trong đó có địa hình của làng mắm Nam Ô với lối vào làng khó đi, khó đưa khách du lịch đến. Bài toán quy hoạch đường, thiết kế làm sao để các xe chở khách du lịch, học sinh tham quan... có thể đi xe đến để tiếp cận với các cụm di tích và các hộ làm mắm ở đây một cách thuận lợi hơn.

Kỳ vọng một lớp người trẻ mới

Làng cổ Nam Ô nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Làng biển này có bờ biển dài, nhiều loại hải sản phong phú, thuận lợi cho việc đánh bắt và neo đậu tàu thuyền. Vì vậy, từ thời kỳ còn là một trong những địa phương của Đàng Trong, ngư dân nơi đây bắt đầu làm nước mắm và cung cấp cho thị trường các vùng lân cận.

Hương vị đặc trưng của nước mắm Nam Ô là do sự tổng hòa của điều kiện địa lý tự nhiên và phương pháp sản xuất hàng trăm năm của người làm mắm. Vì thế, kinh nghiệm làm mắm của người làng Nam Ô là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của thương hiệu từng là “sản vật tiến Vua” này.

Cũng như những làng nghề truyền thống trên khắp đất nước, Nam Ô cũng chỉ có những lớp người già quyết sống mái để giữ nghề và chấp nhận tình trạng lớp người trẻ quay lưng với nghề truyền thống. Tuy vậy, tình yêu với nước mắm Nam Ô vẫn đang nuôi dưỡng những người trẻ tận tâm và nặng lòng với nghề truyền thống này.

Hai trong số những hộ làm mắm Nam Ô được nhiều người biết đến ở làng đều được điều hành bởi những người rất trẻ như anh Bùi Thanh Phú (39 tuổi, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ), anh Phan Công Quang (36 tuổi, Giám đốc hợp tác xã sản xuất nước mắm Ô Long). Họ đều là những thế hệ trẻ tiếp nối ba, bốn đời làm mắm từ gia đình, luôn trăn trở với khát vọng nâng tầm nghề mắm, đưa sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô vươn xa hơn nữa.

Những năm gần đây, sản lượng nước mắm truyền thống của các hợp tác xã bán ra vẫn ổn định và tăng đều theo từng năm, thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã sản xuất nước mắm khá ổn định chứ không bấp bênh như trước đây. Đó cũng là động lực để níu chân những người trẻ bảo tồn nghề truyền thống.

Hiện nay, làng nghề nước mắm Nam Ô duy trì với 71 thành viên, trong đó có ba hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng. Mỗi năm, sản lượng nước mắm tiêu thụ đạt từ 200.000-300.000 lít, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như mắm ruốc, mắm cái, cá khô các loại, bình quân đạt từ 25-30 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 220 lao động. Người dân và chính quyền nơi đây kỳ vọng mô hình kết hợp du lịch với quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nước mắm Nam Ô sẽ mở ra một hướng đi mới để làng mắm Nam Ô phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới