Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nắm rõ sản lượng để chủ động tiêu thụ tốt trái cây

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để việc tiêu thụ trái cây cho người dân từ nay đến cuối năm được thuận lợi, điều quan trọng nhất là phải nắm rõ sản lượng nhằm có giải pháp chủ động phù hợp, theo chuyên gia trong ngành.

Cần nắm rõ sản lượng để chủ động trong tiêu thụ trái cây cho nông dân. Trong một doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục xuất khẩu lô xoài sang châu Âu. Ảnh: Trung Chánh

Tại diễn đàn trực tuyến tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam diễn ra vào hôm nay, 8-6, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng để có kế hoạch tiêu thụ trái cây, mỗi địa phương cần biết rõ sản lượng của mình so với tổng sản lượng của vùng nhằm có giải pháp thích ứng phù hợp trong mọi tình huống.

Theo ông, trong nhóm 15 loại trái cây chủ lực của các tỉnh phía Nam, bao gồm xoài, chuối, thanh long, khóm (dứa), cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, mít, bơ và chanh dây, sản lượng 6 tháng cuối năm ước đạt trên 4 triệu tấn, trong đó, quí 3 ước cung cấp ra thi trường khoảng 2,07 triệu tấn và quí 4 là 1,97 triệu tấn.

Xét về sản lượng của từng loại trong nhóm 15 loại trái cây chính như nêu trên, 6 tháng cuối năm nay sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 869.000 tấn thanh long, 563.000 tấn chuối, 440.000 tấn sầu riêng, 330.000 tấn mít, 290.000 tấn cam, 270.000 tấn bưởi…

Theo ông Tùng, một số địa phương có sản lượng lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang (thanh long); Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang (bưởi); An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang (xoài); Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai (mít)… cần chú ý để có kế hoạch tiêu thụ từ đây đến cuối năm. “Không phải đợi đến khi có diễn biến bất thường về tiêu thụ, thì lúc đó chúng ta mới vào giải quyết”, ông nói.

Về tình hình xuất khẩu, theo ông Tùng, từ năm 2013-2018, xu hướng xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng liên tục. Tuy nhiên, liên tiếp hai năm 2019 và 2020, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam lại sụt giảm. “Năm 2021 có phục hồi, nhưng 5 tháng đầu năm nay lại có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021”, ông cho biết.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 17% so với cùng kỳ do sụt giảm thị phần tại Trung Quốc (năm 2021 Trung Quốc chiếm trên 56% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam- PV).

Theo ông Nguyên, 6 tháng cuối năm, Trung Quốc có khả năng sẽ dỡ bỏ chính sách kiểm soát nghiêm ngặt dịch Covid-19, tuy nhiên, vẫn sẽ khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Dù vậy, ông Nguyên đánh giá Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ trái cây quan trọng của Việt Nam. “Để gia tăng thị phần nhập khẩu vào thị trường này, các mặt hàng trái cây Việt Nam cần cải thiện chất lượng”, ông gợi ý.

Bên cạnh yêu cầu các địa phương phải chủ động có phương án tiêu thụ, ông Tùng cho rằng trái cây muốn xuất khẩu nhiều hơn, cần phải vượt qua nhiều yếu tố, bao gồm cả hàng rào kỹ thuật và hàng rào kiểm dịch. “Chúng ta phải đạt mức độ đồng đều, an toàn thực phẩm và thời điểm thu hoạch phải phù hợp”, ông khuyến cáo và cho rằng không phải cứ sản xuất ra sản phẩm là có thị trường tiêu thụ, mà quan trọng là phải đạt yêu cầu của quốc gia muốn bán vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới