Nan giải bài toán nhân lực công nghệ cao
Mộng Bình
Ông Võ Quang Huệ (giữa), Tổng giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, đang phát biểu trong buổi tọa đàm tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23-7. Ảnh: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) - Nguồn cung nhân lực cho ngành công nghệ cao từ các trường đại học, trường dạy nghề vẫn còn kém xa so với nhu cầu thực tế về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ quả là khó khăn này tiếp tục cản trở sự phát triển của lĩnh vực đang được Chính phủ dành nhiều ưu tiên.
Những ý kiến như trên đã được đại diện các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nêu ra tại buổi tọa đàm có chủ đề “Nhân lực cho công nghiệp công nghệ cao" diễn ra tại hội trường Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23-7.
Buổi tọa đoàm là một hoạt động trong chương trình “Nhất nghệ tinh” do báo Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Giáo Dục TPHCM và Saigon Times Foundation tổ chức nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục nỗi lo về chất lượng đào tạo
Bà Lê Thị Thanh Mỹ, Phó trưởng ban Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), cho biết doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển dụng được người giỏi, có khả năng thích ứng và làm việc được ngay cho công ty. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có những sinh viên tốt nghiệp trong danh sách 5 sinh viên hàng đầu từ các trường có thể đáp ứng nhu cầu này. Nếu kể đến danh sách 20 sinh viên giỏi tiếp theo thì doanh nghiệp vẫn phải đào tạo bổ sung và chất lượng của những sinh viên tốt nghiệp dưới loại khá thì đáng lo ngại.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, chia sẻ rằng tuyển dụng nhân lực cho ngành công nghệ cao thật không đơn giản vì hầu hết lực lượng kỹ thuật chỉ mới được đào tạo lý thuyết mà chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Ngay cả những người có kinh nghiệm cũng cần phải được đào tạo thêm để có thể đáp ứng với yêu cầu của công việc mới.
Ông Huệ nêu ví dụ Robert Bosch Việt Nam đã tuyển được 50 nhân viên có kinh nghiệm làm việc tại dự án cơ khí chính xác trị giá 55 triệu euro (khoảng 1.336 tỉ đồng) tại khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nhưng sau đó phải đưa 15 người đi tu nghiệp tại Hà Lan với kinh phí đào tạo khoảng 30.000 - 40.000 đô la Mỹ/người.
Ở khía cạnh nhà đào tạo, ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng khoa Điện- Điện tử thuộc Đại học Bách khoa TPHCM, nói rằng hàng năm trường tuyển khoảng 600 sinh viên để đào tạo ngành kỹ sư, nhưng chỉ 75- 80% là tốt nghiệp đúng thời hạn. Theo ông Phúc, nhân lực và cơ sở thiết bị sử dụng cho mục đích đào tạo tại các trường như hiện nay khó đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhiều sinh viên chất lượng.
Đồng tình với ý kiến của ông Phúc, ông Lê Xuân Lâm - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, nói thêm rằng đầu tư cho thiết bị giảng dạy là một quá trình dài hạn, không phải muốn có ngay là được. Theo ông Lâm, cần 2 năm để giáo viên tìm hiểu và sử dụng thiết bị và chương trình đào tạo trước khi họ có thể truyền đạt lại cho sinh viên.
Bà Mỹ của SHTP và các khách mời cũng nêu lên một thực trạng rằng các sinh viên vẫn chủ yếu học lý thuyết nhiều hơn được thực hành. “Nhiều doanh nghiệp có ý kiến rằng 2 năm đầu sinh viên không được thực hành và 2 năm chuyên sâu còn lại thì được thực hành rất ít”, bà Mỹ nói.
Đại diện của một số trường giải thích rằng sinh viên cần được cung cấp kiến thức cơ bản trước khi chuyển sang phần chuyên môn. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, bà Mỹ nói rằng các doanh nghiệp khi kiểm tra kiến thức cơ bản về vật lý, điện… thì sinh viên cũng không nhớ.
Ông Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, lo lắng về chất lượng nhân sự cho ngành công nghệ cao và cho rằng thực trạng đào tạo đã được cảnh báo. “Thật đau xót khi phải đào tạo lại các sinh viên đã tốt nghiệp. Điều này có nghĩa là những cái đã được đào tạo rồi bị bỏ đi”, ông nói.
Trên thực tế, không chỉ có Robert Bosch Việt Nam mà nhiều công ty khác phải đào tạo bổ sung những nhân viên được tuyển dụng, ông Quốc nói.
Còn chờ sự chung tay trường học - doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý khu công nghiệp- khu chế xuất TPHCM (Hepza), đề nghị các cơ sở đào tạo cần giảm thời gian dạy lý thuyết và tăng thực hành tại các công ty, nhà máy cho sinh viên để khi ra trường có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.
Ông nói rằng đây cũng là ý kiến của một tổ chức tư vấn quốc tế tại hội thảo về nhân lực mà Hepza đã tổ chức cách đây 2 năm. "Không phải dạy dồn 3 tháng thì mới cho sinh viên thực tập mà phải tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành xen kẽ với lý thuyết", ông Tùng nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Huệ của Robert Bosch Việt Nam đưa ra ví dụ các sinh viên tại các trường dạy nghề ở Đức có đến 3 - 4 ngày học và thực hành tại nhà máy và chỉ 2 ngày còn lại trong tuần học ở trường. Ông Huệ góp ý ngoài việc truyền đạt kiến thức và công nghệ thì cũng cần dạy sinh viên phương pháp làm việc “kỹ thuật và kỷ luật” để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, ông Quốc của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đề cập đến “tính tự trị đại học” vì các trường khó có thể xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo của mình một khi chưa thể tự chủ về mặt tài chính. Không thể mướn một giáo sư - tiến sĩ về trường giảng dạy với mức lương chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng mà phải là 15 - 20 triệu đồng/tháng. “Cần có cơ chế khuyến khích các trường mời các giáo sư giỏi để giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm”, ông Quốc nói.
Ông Quốc cũng đề xuất cần có chính sách thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tham gia vào đào tạo và đồng thời gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. “Hiện mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, bấp bênh”.
Ông Lâm từ trường Cao Thắng cho rằng việc hợp tác sẽ giúp các trường xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu. Còn bà Cao Thị Nhung của Công ty Việc Làm Bank đề xuất các doanh nghiệp nên đặt hàng cho trường đào tạo theo kế hoạch tuyển dụng dài hạn và rồi cho sinh viên thực tập ngay tại nhà máy của họ, chứ không phải lúc cần thì mới đăng báo tuyển dụng.