Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng cấp sân bay Phù Cát và khởi công sân bay Phan Thiết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nâng cấp sân bay Phù Cát và khởi công sân bay Phan Thiết

Lê Anh - Văn Nam

(TBKTSG Online) - Ngày mai, 17-1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ khởi công xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng sân bay Phù Cát (Bình Định) với tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng. Sau đó một ngày, dự án sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng cũng sẽ được UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Rạng Đông khởi công xây dựng.

Nâng cấp sân bay Phù Cát và khởi công sân bay Phan Thiết
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Phù Cát - Ảnh: ACV

Thông tin từ ACV cho biết, khu hàng không dân dụng sân bay Phù Cát bao gồm xây dựng mới nhà ga hành khách và mở rộng sân đậu máy bay.

Nhà ga hành khách gồm 2 tầng, tầng 1 để phục vụ hành khách đi và đến, bao gồm sảnh chính, khu vực làm thủ tục hàng không, khu phân loại hành lý, quầy vé và khu vực kiểm tra an ninh, phòng VIP, khu băng chuyền hành lý; tầng 2 sử dụng làm phòng chờ ra máy bay, phòng khách hạng thương gia và dịch vụ thương mại.

Nhà ga hành khách mới sân bay Phù Cát có khả năng phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 2,4 triệu hành khách/năm.

Dự kiến nhà ga này sẽ hoàn thành và khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2016.

Còn dự án mở rộng sân đậu máy bay sẽ đảm bảo bảy vị trí đậu máy bay A321-200 và tương đương, tăng ba vị trí đậu máy bay so với hiện nay, để đáp ứng nhu cầu khai thác trong thời gian tới.

Ngoài việc mở rộng sân đỗ máy bay, ACV sẽ đầu tư bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng, đèn hiệu, đảm bảo có thể khai thác các chuyến bay vào ban đêm. Dự án mở rộng sân đậu máy bay sân bay Phù Cát sẽ hoàn thành và khai thác luôn trong năm 2015.

Toàn bộ dự án khu hàng không dân dụng sân bay Phù Cát có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, được trích từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Dự án mở rộng sân bay Phù Cát khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Tây nguyên.

Những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng sân bay Phù Cát luôn ở mức cao. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, lượng hành khách thông qua sân bay này tăng trưởng bình quân 27,2%/năm.

Năm 2014, lượng hành khách thông qua sân bay Phù Cát đạt trên 427.000 lượt hành khách, tăng 46,7% so với năm 2013; hàng hoá đạt 1.340 tấn, tăng 58,7%; phục vụ 2.998 lượt chuyến cất hạ cánh, tăng 19,9% so với năm 2013.

Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác đường bay khứ hồi Quy Nhơn – Hà Nội với tần suất 1 chuyến/ngày và Quy Nhơn – TPHCM với 2 chuyến/ngày; VietJet Air đang khai thác đường bay Quy Nhơn – TPHCM với 1 chuyến/ngày, và từ 1-2 tới, Jestar Pacific sẽ khai thác đường bay Quy Nhơn – TPHCM với tần suất 1 chuyến/ngày.

* Dự án sân bay Phan Thiết nằm ở khu vực duyên hải miền Trung theo kế hoạch cũng sẽ được khởi công vào ngày 18-1, theo ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay, 16-1, ông Nam cho biết hiện chính quyền địa phương đã hoàn thành khâu giải phóng, dọn mặt bằng sạch được 310/543 héc ta để nhà đầu tư triển khai dự án sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, dự án được coi sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Thuận trong tương lai.

Trước đó vào ngày 18-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết theo hình thức BOT.

Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng kết hợp phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng. Đến năm 2020 sẽ khai thác máy bay ATR 72, F70 và tương đương. Định hướng đến năm 2030 sân bay sẽ có thể tiếp nhận máy bay A320, A321 và tương đương. Sân bay có năng lực khai thác đến năm 2020 là 500.000 hành khách/năm và đến năm 2030 là một triệu hành khách/năm.

Quá trình xây dựng sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng trên diện tích 360 héc ta, với một đường cất hạ cánh dài 2.400 mét. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng một khu nhà ga hành khách có diện tích khoảng 5.000 mét vuông, công suất tối đa 300 hành khách/giờ cao điểm (tương đương 500.000 hành khách/năm) và lượng hàng hóa đạt 10.000 tấn/năm.

Ước tính, chi phí đầu tư ban đầu cho sân bay Phan Thiết vào khoảng 5.600 tỉ đồng và dự kiến sẽ đón khách vào năm 2017.

Việc xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ giúp Bình Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch và rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng đến Bình Thuận còn khoảng 45 phút, thay vì phải đi bằng đường bộ mất rất nhiều thời gian như hiện nay.

VASCO khai thác đường bay TPHCM – Rạch Giá thay Vietnam Airlines

Từ ngày 26-1, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO)  sẽ tiếp quản, khai thác các đường bay Rạch Giá – TPHCM và Rạch Giá – Phú Quốc của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Thông tin từ ACV cho biết, VASCO sẽ duy trì lịch bay như Vietnam Airlines đã thực hiện trước đây và kế thừa các chính sách của Vietnam Airlines.

Trước đó, sân bay Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang phải tạm ngưng hoạt động hơn hai tháng để sửa chữa đường băng và bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 16-12-2014.

Sân bay này có khả năng tiếp nhận các loại máy bay hạng nhỏ như ATR72, FK70 và tương đương trở xuống.

Mời đọc thêm:

>> Mở tuyến bay Phù Cát - Hà Nội từ 16-1

>> Đưa sân bay Phù Cát khỏi danh sách “điểm nóng” dioxin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới