Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng chất sản phẩm để tiếp đà kỷ lục xuất khẩu ngành nông nghiệp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2025 tiếp tục lập kỷ lục mới khi đặt mục tiêu đạt 63-65 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu này, ngoài yếu tố thị trường, vấn đề cốt lõi là phải tháo gỡ khó khăn và nâng chất cho sản phẩm…

Lúa gạo đóng góp tích cực cho kỷ lục xuất khẩu ngành nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khép lại năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước đạt 62,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,7% so với năm trước đó. Điều này có nghĩa, trị giá xuất khẩu năm 2024 so với năm trước đó tăng thêm khoảng 11,6 tỉ đô la Mỹ. Vậy đâu là ngành hàng có đóng góp lớn vào kết quả quan trọng này?

Trái cây, lúa gạo góp sức lớn vào kỷ lục 2024

Kết quả nêu trên dĩ nhiên là sự đóng góp chung của toàn bộ ngành nông nghiệp, bao gồm cả khu vực sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích, thì cây ăn trái và lúa gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hai ngành hàng có đóng góp lớn vào thành tích kỷ lục xuất khẩu năm 2024 so với năm trước đó.

Đứng đầu danh sách đóng góp lớn cho thành tích xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước năm 2024 là ngành gỗ khi đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 16,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,3% so với năm 2023, tương đương đạt giá trị tăng thêm khoảng 3,288 tỉ đô la Mỹ.

Hai ngành hàng khu vực ĐBSCL có đóng góp lớn vào kết quả chung, đó là trái cây và lúa gạo khi lần lượt đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 là 7,12 tỉ đô la Mỹ, tăng 27,1% so với năm 2023 (tương đương tăng 1,929 tỉ đô la Mỹ) và 5,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 23% so với 2023 (tương đương tăng 1,322 tỉ đô la Mỹ).

Ngoài ra, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,48 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,1% so với cùng kỳ (tương đương tăng 1,594 tỉ đô la Mỹ); hạt điều đạt 4,38 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,2% (tương đương tăng 884 triệu đô la Mỹ); tôm đạt 3,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 14% (tương đương tăng 540 triệu đô la Mỹ); cao su đạt 3,46 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,6% so với cùng kỳ (tương đương giá trị tăng thêm là 678 triệu đô la Mỹ).

Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu tăng thêm của 7 sản phẩm nêu trên trong năm 2024 so với năm 2023 đạt 10,235 tỉ đô la Mỹ, chiếm đến 88,23% tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành trong năm 2024 so với 2023.

Nói đến ngành rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Tổng giám đốc Tổng công ty rau quả nông sản cho biết, Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới, đứng 15 toàn cầu và thứ 2 xuất khẩu vào Trung Quốc, đóng góp quan trọng vào kết quả chung. “Việt Nam có thể tự tin là nguồn cung cấp dồi dào các loại rau quả ngon cho thế giới”, ông nói.

Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành rau quả trong thời gian ngắn nhờ đóng góp từ nhiều nguyên nhân, bao gồm thứ nhất, tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ của các sản phẩm như sầu riêng, chuối, mít, dừa; thứ hai, là mở cửa thị trường, gia tăng số lượng các mặt hàng được phép xuất khẩu chính ngạch, như với Trung Quốc có 15 mặt hàng trái cây của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch.

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm để ngành nông nghiệp tiếp tục lập kỷ lục mới về xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Cần nâng chất nếu muốn nối dài kỳ tích

Để ngành nông nghiệp tiếp tục lập kỷ lục mới về xuất khẩu, bên cạnh tháo gỡ những tồn tại, khó khăn đang gặp phải, cần thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Vị chủ tịch Vinafruit thừa nhận, bên cạnh thành tích mà ngành nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng đạt được, chất lượng sản phẩm rau quả và mức độ an toàn chưa cao là tồn tại lớn cần khắc phục. “Đây là điểm yếu cần được khắc phục sớm và triệt để, nếu không ngành rau quả Việt Nam có thể xấu đi trong mắt người tiêu dùng thế giới”, ông nhấn mạnh.

Theo gợi ý của ông Bình, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, cần tìm kiếm công nghệ sau thu hoạch tốt hơn để đảm bảo giảm thiệt hại cho ngành rau quả. “Đặc biệt, cần phải nâng cao năng lực tuân thủ của các doanh nghiệp ở cả thị trương trong nước và xuất khẩu”, ông nhấn mạnh.

Tại một hội nghị ngành nông nghiệp diễn ra mới đây ở tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương phải rà soát các đơn vị sản xuất, cơ sở đóng và vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu nhằm nắm tình hình xuất khẩu và sử dụng mã số đúng mục đích, tránh gian lận thương mại.

Theo ông, tình trạng mua bán mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu đang có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, khả năng cạnh trạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. “Một số tổ chức được cấp mã số vùng trồng không sử dụng mà bán hoặc cho thuê xảy ra khá phổ biến. Điều này, đã vi phạm nghiêm trọng về quản lý mã số vùng trồng”, ông nhấn mạnh.

Lấy dẫn chứng cho vấn đề nêu trên, ông Phú cho biết, Vina T&T mới đây đã bị một đơn vị tại TPHCM giả làm mã số đóng gói để xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc. Họ làm giả cả dấu mộc, chữ ký để ký giấy uỷ quyền bán lại cho các công ty khác. Vụ việc này đã được Vina T&T đưa thông tin cho công an kinh tế điều tra.

Với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, năm 2024 xuất khẩu thuỷ sản dù đã quay lại con số 10 tỉ đô la Mỹ, nhưng vẫn gặp nhiều thách thức trong mục tiêu đạt 14-16 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 như chiến lược phát triển ngành thuỷ sản đặt ra.

Theo ông, để hoàn thành mục tiêu, ngành thuỷ sản cần đạt mức tăng trưởng 10-15% mỗi năm. “Để làm được điều này, ngành thuỷ sản cần có động lực tăng trưởng mới, giống như trường hợp trái sầu riêng”, ông nhấn mạnh.

Muốn vậy, vị Phó tổng thư ký VASEP đề nghị, cần có hoạt động tạo động lực cho ngư dân sản xuất, tạo ra tài sản cho ngành thuỷ sản. Trong đó, phải làm sao để ngư dân tuân thủ các quy định của Luật thuỷ sản mới, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng khai thác biển, tiêu thụ nguyên liệu thuỷ sản khai thác một cách bình thường.  “Cần sửa đổi một cách phù hợp các quy định liên quan, bao gồm vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi, bởi quy định này gặp bất cập thời gian qua, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến trữ lượng khai thác của ngư dân”, ông dẫn chứng.

Ngoài ra, cần sửa đổi các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài thuỷ sản, nhất là cá ngừ và những loại di cư. Về vấn đề này, ngư dân các tỉnh miền Trung đã kiến nghị rất nhiều. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chương trình làm việc với châu Âu để khơi thông xuất khẩu ruốc, bởi đây là sản phẩm được thị trường cao cấp này ưa chuộng, nhưng do khai thác gần bờ, không xuất khẩu được vào châu Âu.

Bên cạnh vấn đề con giống, phía VASEP cũng kiến nghị, cần có chính sách tháo gỡ để người nuôi thuỷ sản có thể được vay vốn ngân hàng bình thường nhằm duy trì hoạt động nuôi, giảm phụ thuộc vào tín dụng đen. “Các địa phương cần có ưu tiên quỹ đất/mặt nước cho nuôi trồng thuỷ sản, bao gồm diện tích mới, diện tích hết hạn thuê”, ông gợi ý...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới