(KTSG Online) - Với 528.000 việc làm được bổ sung trong tháng 7, nền kinh tế Mỹ đã lấy lại tất cả 22 triệu việc làm bị mất trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Đó là một bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ các lập luận cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái.
Dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố hôm 5-8 cho thấy thị trường lao động Mỹ đón nhận thêm 528.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng trước, cao hơn gấp đôi so với mức kỳ vọng của các nhà kinh tế và cũng là mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ nhất kể từ tháng 2-2022.
Mức tăng trưởng việc làm ấn tượng này đẩy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% sau khi duy trì ở mức 3,6% trong suốt 4 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp trong nửa thế kỷ. Tháng 7 là tháng thứ 19 liên tiếp việc làm ở Mỹ tăng trưởng.
Việc làm được tạo ra thêm ở khắp tất cả ngành, trong đó, lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành, giải trí chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất với 96.000 việc làm được tạo ra trong tháng trước. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong ngành dịch vụ nói chung vẫn đang thấp hơn 1 triệu so với mức trước đại dịch, theo BLS. Lương của người lao động cũng tăng lên mức cao hơn với mức thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,5% trong tháng trước lên mức cao hơn 5,2% so với cách đây một năm.
Trước khi dữ liệu được công bố, các nhà kinh tế dự báo thị trường lao động Mỹ sẽ hạ nhiệt vì các các hoạt động trong nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại. Số lượng việc làm mạnh mẽ cùng với mức lương cao hơn dự kiến đã dẫn đến sự thay đổi trong kỳ vọng về mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9. Các nhà đầu tư dự báo có khả năng cao Fed sẽ lãi suất 0,75 điểm phần trăm cho cuộc họp tiếp theo và đây sẽ là lần tăng thứ ba liên tiếp của mức độ đó.
“Dù tăng trưởng GDP của Mỹ suy giảm trong hai quí liên tiếp trong nửa đầu năm nay, những con số mạnh mẽ trên thị trường lao động đã phản bác các bàn luận cho rằng kinh tế đang suy thoái”, Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cao cấp của Công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, nói.
Hamrick cho rằng báo cáo việc làm mới nhất kết hợp với dữ liệu khác cho thấy số lượng việc làm đang tuyển dụng vẫn vượt xa số người đang tìm kiếm việc làm, có thể gây áp lực buộc Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất.
Với 10,7 triệu việc làm tuyển dụng cuối tháng 6, trung bình có 1,8 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp, thị trường lao động Mỹ vẫn còn thắt chặt.
Việc làm tăng trưởng mạnh mẽ và lương tăng sẽ dẫn đến giá cả tăng, báo hiệu lạm phát chưa thể nhanh chóng trở về mức bình thường. Jason Pride, Giám đốc quản lý tài sản cá nhân ở Công ty Glenmeade, nói rằng số liệu việc làm mạnh mẽ “không phải hẳn là điều mà Fed muốn thấy, đặc biệt là mức lương trung bình theo giờ tăng mạnh 0,5% so với tháng trước”.
Theo Pride, số liệu việc làm lao động mới nhất sẽ ngăn cản Fed bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất. Đồng tình với nhận định này, Michael Gregory, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ ở Công ty BMO Capital Markets cho biết: “Sự kết hợp giữa tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, thị trường lao động cực kỳ thắt chặt và lạm phát tiền lương cao, cho thấy tốc độ tăng lãi suất của Fed có thể sẽ vẫn còn cao trong tháng tới”.
Dù nhiều nhà kinh tế cho rằng thị trường việc làm mạnh mẽ cho đến nay đã ngăn Mỹ rơi vào suy thoái, thì đà tăng trưởng việc làm rốt cuộc sẽ hạ nhiệt rõ rệt trong những tháng tới khi các công ty cắt giảm nhân sự để ứng phó với nhu cầu thấp hơn. Lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã bắt đầu tăng dần trong những tuần qua và rất nhiều công ty, bao gồm Google, Walmart, Apple, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Robinhood, Microsoft, đã thông báo về việc ngừng tuyển dụng hoặc sa thải trong thời gian gần đây.
Tăng trưởng việc làm là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ nhưng lại là tin không vui cho thị trường chứng khoán Mỹ trong ngắn hạn khi giới đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh chi phí vay mượn
Kết thúc giao dịch hôm qua, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones chỉ tăng 76,65 điểm, tương đương 0,23%, lên mức 32.803,47 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,16% và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,5%.
CNN, CNBC, Reuters