Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế sức mua thấp (kỳ 1): Người tiêu dùng giảm niềm tin, tăng tiết kiệm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Từ góc độ người tiêu dùng, mối lo về thu nhập khiến họ thắt hầu bao và tăng cường tiết kiệm sau khoảng thời gian bùng nổ chi tiêu nhờ thị trường vốn và bất động sản lập đỉnh trong năm 2022. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa cải thiện khiến sức mua ảm đạm hơn trong thời gian qua.

Giảm chi, tăng tiết kiệm

Xu hướng cắt giảm chi tiêu của người dân tiếp tục kéo dài trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, sau một năm 2023 gần như “thắt hầu bao”. Trong năm ngoái, tiêu dùng cá nhân chỉ tăng khoảng 3%, chỉ bằng một nửa mức bình quân trước đây, theo số liệu của HSBC.

Người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn trong năm 2023 với xu hướng chọn giá rẻ. Ảnh minh họa: L.Vũ.

Những sản phẩm không thiết yếu là mặt hàng bị cắt giảm đầu tiên. Điều này thấy rất rõ ở câu chuyện của thị trường xe ô tô.

Dù có các biện pháp kích cầu từ chính sách và các đại lý phân phối, doanh số bán ô tô mới trong năm 2023 giảm lần lượt 25% so với cùng kỳ. Ngay cả doanh số bán xe máy cũng giảm 17%, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI.

Ngược lại, các sản phẩm thiết yếu vẫn có sự tăng trưởng. Theo số liệu của Công ty bán lẻ đầu ngành Thế giới Di động, doanh số của Bách Hóa Xanh (hàng thiết yếu) tăng 30% trong khi doanh số của các cửa hàng Thế giới Di động, Điện Máy Xanh (hàng điện tử, điện máy) lại giảm 20%.

Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân giảm đã phản ánh tác động rõ rệt của tình hình kinh tế chậm lại đối với các hộ gia đình, theo báo cáo về tiêu dùng cá nhân của người Việt trong năm 2023 của HSBC.

Lĩnh vực FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) cũng chịu ảnh hưởng đáng kể từ bức tranh kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng chỉ đến từ yếu tố giá tăng, trong khi lượng mua thì giảm dần đến cuối năm. Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel, giá tiêu dùng chịu ảnh hưởng khi chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng vì giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tăng cao.

Nguồn: Kantar (2024).

Tuy nhiên, một lý do chính khiến người dân đảo ngược xu hướng tiêu dùng từ “phóng khoáng” trở nên thận trọng hơn là vì giá trị tài sản đã giảm mạnh trong qua. Điều này được giới phân tích đánh giá là “hiệu ứng tài sản” đảo ngược.

Năm 2022, kết hợp với nhu cầu bị dồn nén sau khi mở cửa trở lại vì dịch Covid-19, sự bùng nổ trên thị trường vốn và bất động sản đã làm gia tăng niềm tin người tiêu dùng lên mức cao.

“Sự bùng nổ nói trên đã khiến cho tiền từ tài khoản tiết kiệm bị rút mạnh trong giai đoạn 2020-2022. Nhưng sự đổ vỡ sau đó đã đảo chiều trong năm 2023, kéo tiền gửi ngân hàng cá nhân trở lại. Những bất ổn về kinh tế thúc đẩy việc tiết kiệm với sự thận trọng”, báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định.

Một con số đo lường thú vị khác là thuế thu nhập cá nhân. Nếu như năm 2020 gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng thuế thu nhập cá nhân phải nộp giảm mạnh về 5,2% so với cùng kỳ (những năm trước đó khoảng 15-20%). Đến năm 2022, con số này tăng lên 28%. Còn tính đến 9 tháng đầu năm 2023, con số này giảm 5,6% (một phần vì mức cao năm 2022 cùng kỳ).

Bên cạnh hiệu ứng do giá trị tài sản suy yếu theo chu kỳ, một điểm cần chú ý nữa là những thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng kể từ đại dịch Covid-19, theo HSBC.

“Người tiêu dùng có xu hướng cảnh giác với những biến động kinh tế, do vậy gia tăng khuynh hướng tiết kiệm. Mặc dù dữ liệu của năm 2023 chưa được công bố, tỷ lệ tiết kiệm tăng 40% cao hơn đáng kể trong năm 2022 cũng phần nào minh họa cho xu hướng này”, báo cáo HSBC nhận định.

Niềm tin người tiêu dùng chưa trở lại

Năm 2024 bắt đầu với nhiều kỳ vọng mới, nhưng dường như niềm tin người tiêu dùng chưa được tích cực trở lại, theo nhiều cuộc khảo sát gần đây.

Chẳng hạn, theo Báo cáo cập nhật tình hình thị trường FMCG Việt Nam năm 2023 của Kantar WorldPanel, mức độ “lạc quan về tình hình kinh tế trong tương lai” trong kỳ khảo sát cuối quí 4 đã giảm đáng kể so với quí 3 trước đó.

“Triển vọng kinh tế khả quan được ghi nhận vào quí 4-2023 chưa thực sự giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm giãn cách Covid-19 đợt 4 vào năm 2021. Tỷ lệ hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính cũng tăng đáng kể”, báo cáo của Kantar công bố đầu tháng 2 nhận định.

Nguồn: Kantar (2024).

Theo khảo sát, có đến 30% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính trong quí 4-2023, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước Covid-19. Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện là sức khỏe, an toàn thực phẩm và thu nhập hộ gia đình.

Trước đó, trong báo cáo vĩ mô tháng 1, MSVN có trích lại khảo sát cho thấy người tiêu dùng vẫn còn thận trọng sau một năm 2023 ảm đạm. Báo cáo Infocus Mekong Research cho thấy người tiêu dùng vẫn chưa chắc chắn về sự phục hồi kinh tế, với mối lo ngại lớn nhất vào năm 2024 là lạm phát, thất nghiệp và suy thoái kinh tế.

Theo đó, chỉ 27% người tiêu dùng tin rằng sẽ có sự phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2024, trong khi 31% cho rằng điều đó sẽ xảy ra trong nửa cuối năm. Khoảng 57% người tiêu dùng ghi nhận mức tiết kiệm giảm vào năm 2023, trong khi chỉ 24% thấy mức tiết kiệm tăng.

Tuy niềm tin người tiêu dùng chưa sớm trở lại, nhưng đa số các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm về tiêu dùng chỉ là trong ngắn hạn, còn tiềm năng tiêu dùng – bán lẻ của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Việt Nam vốn có tỷ trọng tiêu dùng chiếm hơn 50% GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân là khoảng 7,5% (trước đại dịch Covid-19). Do đó, ngay cả trong ngắn hạn, việc thúc đẩy tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại. Câu chuyện đặt ra tiếp theo là làm gì để kích cầu tiêu dùng?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới