Thứ Năm, 25/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nên quy định trần lãi suất tiền gửi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên quy định trần lãi suất tiền gửi

Thủy Triều thực hiện

TS Trần Hoàng Ngân. Ảnh Thủy Triều

(TBKTSG Online) – Vì cơ chế lãi suất thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện với các khoản vay ngắn hạn nên việc cho vay của các ngân hàng vẫn chưa thực sự thông thoáng, vẫn phải “luồn lách” để nâng lãi suất khi cho vay các khoản vay ngắn hạn mà trần lãi suất vẫn là 12%/năm.

Lý do là lãi suất đầu vào của ngân hàng bằng cách này hay cách khác cũng đã tăng đến xung quanh mức 12%/năm nên không thể cho vay ngang với mức huy động này.

Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM và là thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã đề xuất biện pháp để giúp ngân hàng huy động được vốn mà không phải sửa Luật dân sự.

TBKTSG Online: Thưa ông, hiện các ngân hàng rất khó huy động với trần lãi suất 10,5%/năm và cho vay cũng chưa thực sự thông thoáng. Ông có ý kiến gì về cơ chế lãi suất hiện nay?

TS Trần Hoàng Ngân: Về lãi suất, theo tôi vẫn là phải dứt khoát theo cơ chế lãi suất thỏa thuận, và sẽ được thực hiện theo từng bước. Thứ nhất, chúng ta cần phải có trần lãi suất tiền gửi và phải được quy định bởi Ngân hàng Nhà nước chứ không phải Hiệp hội ngân hàng. Trần lãi suất tiền gửi đó sẽ theo tín hiệu lạm phát của thị trường để điều chỉnh linh hoạt. Hiện nay, mức trần lãi suất có thể chấp nhận được là khoảng 12%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sử dụng các công cụ mà các nước khác đang làm như nghiệp vụ thị trường mở, chiết khấu, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc để điều tiết cung tiền. Như vậy nếu thấy dấu hiệu lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đụng đến trần lãi suất tiền gửi thì NHNN sẽ bơm tiền qua các kênh trên để góp phần làm giảm lãi suất huy động xuống.

Còn lãi suất cho vay thì sẽ theo cơ chế lãi suất thỏa thuận, bỏ đi sự phân biệt cho vay tiêu dùng thì lãi suất thỏa thuận, cho vay sản xuất kinh doanh thì không vượt quá 150% lãi suất cơ bản… dẫn đến việc ngân hàng lách đủ kiểu để tăng lãi suất và NHNN thì tốn sức để đi thanh tra.

Liệu NHNN có đủ khả năng để can thiệp vào thị trường thông qua các công cụ của mình?

– NHNN có đủ sức để thực hiện cơ chế này. Trước đây, số lượng chứng từ có giá quá ít nên việc bơm và rút thông qua giấy tờ có giá chưa thể thực hiện nhiều được. Nay lượng chứng từ có giá đã lên tới 140.000 tỉ đồng rồi, thì với lượng đó, NHNN rút và bơm ra sẽ tác động trực tiếp vào lượng tiền trong lưu thông. Chính cơ chế lãi suất này sẽ góp phần kềm chế lạm phát.

Vì nếu điều hành theo trần lãi suất huy động căn cứ vào chỉ số lạm phát thì người dân sẽ có điều kiện gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất hợp lý và các doanh nghiệp sẽ thông thoáng về mặt vốn, có thể vay để sản xuất sản phẩm, tăng cung hàng để bình ổn giá. Hiện nay chúng ta đang bị ách tắc trong vấn đề vốn, NHNN phải nhanh chóng giải quyết về cơ chế lãi suất.

Nhưng đưa ra trần lãi suất tiền gửi thì có e ngại sự phản ứng từ phía ngân hàng?

– Cái gì cũng có hai mặt, dĩ nhiên ban đầu sẽ có người phản ứng nhưng vấn đề là cái trần lãi suất hợp lý thì sẽ chẳng có ai phản ứng.

Như vậy liệu các ngân hàng có chạy đua đưa lãi suất lên cao và doanh nghiệp phải hứng chịu chi phí đi vay quá cao?

– Không thể có chuyện ngân hàng đua nhau đưa lãi suất lên cao vì khi đã thông thoáng về lãi suất huy động, ngân hàng huy động được vốn thì sẽ phải cạnh tranh với nhau bằng cách hạ lãi suất cho vay để thu hút người vay, vì nếu cho vay cao quá thì không ai vay. Điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh lành mạnh của ngân hàng trong việc giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra chứ không đua nhau tăng lãi suất huy động. Như vậy thì NHNN có thể thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận ngay từ bây giờ mà không cần điều chỉnh Luật dân sự.

Lúc đó, vai trò của lãi suất cơ bản sẽ là gì?

-Còn lãi suất cơ bản, chúng ta sẽ xem đó như một chỉ số định hướng cho thị trường bằng cách thông tin cho thị trường vào cuối mỗi ngày hoặc cuối tuần, bằng cách lấy bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn. Ví dụ, các ngân hàng hiện đang cho vay với lãi suất 14%-15%, thì ta công bố mức này là lãi suất cơ bản của Việt Nam. Như vậy, luật dân sự sẽ căn cứ vào đó để xử cho vay nặng lãi.

Còn bản thân ngân hàng sẽ không theo lãi suất cơ bản mà sẽ theo trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ theo cơ chế thỏa thuận. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ không thể nào vượt quá 150% lãi suất cơ bản được, vì huy động có 12% thì chỉ cần cho vay 15% là có lời rồi, không thể tăng đến 21%. Hiện nay các ngân hàng không thể làm như vậy được vì huy động cộng khuyến mãi đã tăng đến 12% rồi, không thể cho vay theo trần 12% nữa, nên các ngân hàng buộc phải lách bằng phí này phí nọ thôi.

Như vậy, nếu để ngân hàng thực hiện theo trần lãi suất huy động mới, ta cũng sẽ không sợ ngân hàng vi phạm luật dân sự.

Nhưng phương án này khác gì so với việc NHNN nâng lãi suất cơ bản lên 14-15% ngay từ bây giờ?

-Dĩ nhiên khác. Nếu tăng lãi suất cơ bản lên 14%-15% luôn thì sẽ có những ngân hàng do khó khăn về thanh khoản cũng sẽ đẩy lãi suất huy động lên gần mức đó, và vốn sẽ từ các ngân hàng có lãi suất thấp chảy sang ngân hàng có lãi suất cao, và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường.

Vậy ý kiến của ông như thế nào khi các ngân hàng đang đề nghị NHNN bỏ trần lãi suất huy động?

– Theo tôi thì chưa nên bỏ trần lãi suất huy động trong bối cảnh hệ thống ngân hàng còn một số ngân hàng bất chấp pháp luật, chạy đua để huy động trong tình trạng thanh khoản kém. Có thể trần này sẽ được dỡ bỏ khi hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định hơn trong tương lai.

Xin cám ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới