(KTSG) - Bộ Giao thông Vận tải đặt ra lộ trình đến năm 2030, ô tô điện đạt tỷ lệ 30%, xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng, xe buýt thay thế hoặc đầu tư mới phải sử dụng điện hoặc năng lượng xanh kể từ năm 2025. Điều này cho thấy ngành giao thông muốn ưu tiên chuyển đổi sang năng lượng xanh nhanh hơn với xe buýt.
Tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa thể xác định được các nhiệm vụ, giải pháp giúp đạt phát thải ròng bằng 0, một số địa phương lại đề xuất lùi thời điểm áp dụng 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh về sau năm 2025.
- Xe điện được dự báo bán chạy hơn xe truyền thống ở Trung Quốc trong năm 2025
- Tương lai của xe điện trước bối cảnh kinh tế - chính trị mới
Thông tư 47/2024/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, trong đó có quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe gắn máy.
Cụ thể với xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải, xe từ 5-12 năm tuổi kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi kiểm định hàng năm. Theo đó, giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. Khi đưa xe đi kiểm định khí thải, chủ sử dụng cần xuất trình một trong các giấy tờ: Bản chính chứng nhận đăng ký xe, bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe, bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe. Cơ sở đăng kiểm sẽ đối chiếu thông tin trên phần mềm quản lý và cấp chứng nhận kiểm định điện tử được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe nếu xe đạt tiêu chuẩn, ngược lại nếu thông tin xe không trùng khớp sẽ từ chối.
Kiểm định khí thải xe máy để bảo vệ môi trường là chủ trương đúng nhưng cần giải pháp thiết thực, tránh hình thức hoặc lạm dụng. Dễ thấy nếu triển khai một cách đại trà sẽ dễ xảy ra nhiêu khê, hiệu quả chưa biết tới đâu. Cả nước hiện có khoảng 74 triệu xe máy, sử dụng năm năm trở lên chiếm đến 80% (gần 56 triệu chiếc), trong đó Hà Nội có hơn 7 triệu chiếc và TPHCM gần 8,5 triệu chiếc. Có khoảng 290 trung tâm đăng kiểm, giả sử tốc độ kiểm định mỗi xe từ 5-7 phút cũng mất thời gian khá lâu.
Một vấn đề khác không thể bỏ qua, đó là xử lý như thế nào với các xe cũ nát, lạc hậu không đạt kiểm định tiêu chuẩn khí thải? Xe có bị thu hồi loại bỏ hay tiếp tục được lưu thông? Phương tiện thay thế có thể là xe điện, giá bán còn khá cao so với thu nhập số đông, chưa có chính sách ưu đãi đáng kể để khuyến khích chuyển đổi phương tiện.
Xe điện được cho là xu thế thời đại tiêu dùng “xanh” vận hành êm ái không gây tiếng ồn, không có ống xả sẽ góp phần hạn chế khí thải và cũng là giải pháp hữu hiệu cải thiện sức khỏe cộng đồng, chặn đà ô nhiễm môi trường, nhất là tại các đô thị lớn. Cả nước đến nay có khoảng 22.000 ô tô điện, 2 triệu xe máy điện. Điều này không thể không nhắc tới sự ủng hộ của cộng đồng xã hội nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng dân số khoảng 100 triệu người đang có đến 74 triệu xe máy, 6 triệu ô tô.
Ô tô điện còn bất tiện với hệ thống trạm sạc, quá ít so với nhu cầu. Xe máy điện vẫn còn những lo ngại, khó di chuyển được quãng đường xa, trên lộ trình đi lại tìm một chỗ xin sạc điện rất khó, khó được an toàn lúc có mưa lớn, ngập nước. Chưa kể nguy cơ cháy nổ cao nên một số chung cư, nhà ở tập thể cũng có những băn khoăn về cách thức sử dụng, sửa chữa cũng như rủi ro trong sạc pin cho xe máy điện. Nhiều người phải đi hơn 15 ki lô mét mỗi khi có nhu cầu kiểm tra, sửa chữa xe máy điện bởi cửa hàng chỉ bán xe, không ít thương hiệu nhà sản xuất chỉ có 1-2 trung tâm bảo trì.
Thực tế gặp không ít trở ngại, xe buýt điện chưa đạt kết quả kỳ vọng có nguyên nhân chính sách chưa có ưu đãi đúng mức, tỷ lệ trợ giá thấp hơn so với xe buýt sử dụng diesel, CNG (khí nén thiên nhiên). Cùng hạng chở khách với xe buýt thông thường, đầu tư xe buýt điện khá tốn kém. Ví dụ, xe buýt điện xuất xứ Trung Quốc được đánh giá là rẻ nhất nhưng giá bán cũng khoảng 7 tỉ đồng/xe buýt (dung lượng pin 255kW chạy 230-250 ki lô mét/xe/lần sạc), xe buýt do VinFast sản xuất có giá khoảng 7,4 tỉ đồng. Như vậy, giá xe buýt điện cao gấp 3-4 lần so với xe buýt thông thường đang được sử dụng để tính đơn giá khấu hao phương tiện hiện hành tại Hà Nội, TPHCM.
Thiết nghĩ, kiểm định khí thải đối với xe máy có thể thay đổi cách làm, hạn chế các phát sinh gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Tính toán kỹ, triển khai theo từng giai đoạn trong giải pháp tổng thể phù hợp, giao cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.
Trước tiên, phạt nặng các loại phương tiện thải ra những làn khói phát hiện được bằng mắt thường. Xử lý xe máy tự chế không đúng quy định, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Ban hành các quy định, hướng dẫn về xử lý xe máy không đạt chuẩn khí thải. Giai đoạn đầu chỉ kiểm định bắt buộc đối với xe máy từ 15 năm sử dụng trở lên, vừa thí điểm vừa xem xét công suất hoạt động các trung tâm đăng kiểm có đáp ứng hay không, sau đó nhân rộng, hạ dần xuống còn 12 năm và dưới nữa. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh.
Các đô thị lớn gồm Hà Nội, TPHCM nên cho phép được lồng ghép trong đề án tăng cường năng lực giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông xanh và triển khai trước công việc kiểm định khí thải xe máy sẽ thích hợp hơn.
Chuyển đổi phương tiện, phát triển xe điện thay thế đòi hỏi hành lang pháp lý, quy hoạch, quy chuẩn, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Với xe buýt điện đầu tư không đơn thuần là mua mới mà còn bao gồm xây dựng hệ thống trạm sạc, chi phí khá tốn kém nên được xem xét tạo điều kiện nhiều hơn về hỗ trợ lãi vay, mức trợ giá ít nhất cũng bằng hoặc cao hơn tỷ lệ trợ giá bình quân hệ thống các xe buýt thông thường hàng năm. Nhà đầu tư có thể được xem xét giảm thêm thuế đầu vào, ưu đãi về hạ tầng để tạo ưu thế trước các loại phương tiện cùng hạng sử dụng xăng dầu.
Với xe máy điện có thể hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, giảm giá cho người mua. Sớm ban hành các hướng dẫn sử dụng, những hiệu quả mang lại, quy chuẩn và chất lượng các thương hiệu đang bán trên thị trường. Ràng buộc trách nhiệm nhà cung cấp sản phẩm có chế độ hậu mãi tốt hơn như linh hoạt đổi pin, tăng cường trung tâm bảo trì sửa chữa. Như vậy sẽ tạo sự yên tâm sử dụng, người dân sẽ hưởng ứng, khuyến khích tiêu thụ xe máy điện thay thế xe xăng dầu, phương tiện thân thiện môi trường có cơ hội phát triển.
Mỗi lĩnh vực ngành, địa phương bắt buộc phải chủ động xác định được các nhiệm vụ, giải pháp giúp đạt phát thải ròng bằng 0, thúc đẩy lộ trình chuyển sang xe điện. Trong đó, có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Trong đầu tư công, mua sắm công cũng có thể hướng đến chuyển đổi sang xe điện. Như khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu thay thế phương tiện ưu tiên chuyển sang xe điện.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa qua đã được Quốc hội thông qua là cơ sở xem xét ban hành các chính sách tiếp theo nhằm thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu, tạo điều kiện chuyển đổi sang xe điện. Như quy định tỷ lệ trạm sạc xe điện chiếm tỷ lệ phần trăm đáp ứng được nhu cầu và mở đường cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện ở nơi công cộng phù hợp.
(*) Kỹ sư cầu đường
Mức độ ô nhiễm môi trường/ không khí… ở các đô thị lớn đang bị áp lực rất cao. Hà Nội đã lên mức báo động (top 5 thế giới), có hiện tượng khách du lịch rời đi sớm hơn lịch trình dự kiến. TPHCM cũng khó thoát khỏi nguy cơ này. Nhìn sang Bắc Kinh (TQ), cách đây 10 năm, ô nhiễm không khí không thể chịu nổi, nhưng nay bầu trời liên tục xanh trong trở lại. Đó là nhờ chiến lược làm sạch môi trường đột phá và bền bỉ. Xe điện chính là nhân tố quan trọng góp phần thay đổi cuộc chơi. Đã đến lúc phải có những quyết sách và quyết tâm mạnh mẽ. Nếu không chúng ta sẽ phải hi sinh, đánh đổi rất nhiều thứ vô giá/ vô hình, không bao giờ thể lấy lại được, trước hết là sự an toàn/ sức khỏe của thế hệ hôm nay và mai sau.
Cuối năm 2022, Thụy Sĩ dự kiến cấm xe điện vì sợ không đủ điện để sưởi ấm trong mùa đông dù chỉ có chưa tới 100.000 ô tô điện. Năm 2023, miền Bắc cúp điện nhiều khu vực vì thiếu điện. Ngân hàng thế giới đánh giá VN cần 11 tỷ USD để xây dựng nguồn phát điện cung cấp cho mục tiêu phát triển phương tiện xanh tới năm 2030. Chưa kể hiện nay ùn tắc kẹt xe khắp nơi do phương tiện cá nhân mà chủ yếu là do ô tô. Không nên khuyến khích phát triển ô tô điện mà nên đầu tư xây dựng các tuyến metro, đường sắt nhẹ trên cao để giảm phương tiện cá nhân, đầu tư xây dựng tàu cao tốc sử dụng điện để giảm ô nhiễm .
HN và TP/HCM ô nhiễm không khí kẹt xe trầm trọng ảnh hưởng chất lượng sống, nguyên nhân chủ yếu do quá tải phương tiện cá nhân sử dụng xăng dầu, chuyển sang xe điện càng sớm càng lợi. Cần lắm chính sách mạnh, dùng giải pháp cây gậy và củ cà rốt từ trung ương đến các địa phương mới mong có hiệu quả rõ nét.
Trước tiên, các thành phố lớn cần có lộ trình cấm xe xăng dầu vào trung tâm từ năm 2035 giống các nước EU. Ưu đãi giá rẻ, sử dụng năng lượng điện ít tốn kém, phủ rộng trạm sạc điện cho xe điện ở khắp mọi nơi thì không cần quảng cáo, không cận vận động, ai cũng muốn chuyển sang xe điện.