(KTSG Online) - Việc không yêu cầu bản sao giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nước ngoài không bảo đảm điều kiện đầu tư vẫn được thành lập doanh nghiệp tư nhân.
- Cấp giấy chứng nhận đầu tư: nên cân nhắc thiệt hơn
- Nhiều doanh nghiệp FDI không muốn bỏ giấy chứng nhận đầu tư
Việc thiếu yêu cầu nộp bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân đang gây khó khăn cho công tác quản lý toàn diện nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào doanh nghiệp.
Theo Tổng Cục thống kê, trong 8 tháng năm 2024, có 110.764 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn FDI đạt hơn 14,15 tỉ đô la, chiếm gần 36% tổng vốn đăng ký doanh nghiệp.
Đây là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế nhưng điều này cũng đặt ra nhiều yêu cầu về kiểm soát hiệu quả dòng vốn FDI. Theo đó, việc thiếu yêu cầu bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân đang gây khó khăn cho công tác quản lý toàn diện nguồn vốn FDI vào doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 không yêu cầu chủ thể đăng ký doanh nghiệp tư nhân phải cung cấp bản điều lệ công ty, danh sách thành viên và bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài như các loại hình công ty khác.
Việc miễn điều lệ công ty và danh sách thành viên là phù hợp do doanh nghiệp tư nhân thuộc quyền sở hữu của một cá nhân duy nhất và cá nhân ấy lại có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dù vậy, vấn đề bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài lại cần phải được xem xét.
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là một trong các hình thức đầu tư cơ bản trong Luật Đầu tư năm 2020. Khoản 20 Điều 3 Luật này cũng có giải thích “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”. Điều này có nghĩa là khi lựa chọn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế nhà đầu tư hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020 quy định rõ hơn vấn đề đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, nếu là nhà đầu tư trong nước thì sẽ thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Nếu là nhà đầu tư nước ngoài, cùng với các yêu cầu trên, doanh nghiệp còn phải đáp ứng thêm điều kiện về tiếp cận thị trường. Tức là, cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều được đăng ký doanh nghiệp tư nhân.
Dù vậy, theo điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020 nếu là nhà đầu tư nước ngoài, trước khi thành lập doanh nghiệp tư nhân nói riêng, doanh nghiệp nói chung thì phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Yêu cầu này là cần thiết vì giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được dòng vốn nước ngoài, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, bảo đảm vừa thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, vừa tạo cơ hội cho nhà đầu tư trong nước có cơ hội phát triển.
Thời gian qua, nguồn vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư còn mang theo các công nghệ tiên tiến, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, khai thông xuất khẩu… Nhờ vậy, tình trạng tụt hậu về công nghệ dần được khắc phục, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao.
Tuy nhiên, theo Tổng Cục thống kê, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện chiếm đến 92,6%. Do đó, nếu không quản lý tốt hoạt động đầu tư nước ngoài dễ khiến doanh nghiệp trong nước bị chèn ép. Lâu dần Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực bên ngoài khiến nền kinh tế khó phát triển thực chất. Đến khi các tài nguyên bị khai thác triệt để, doanh nghiệp nước ngoài rút vốn thì nền kinh tế có thể đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực.
Vì lẽ đó, mặc dù phần lớn các thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đều được “hậu kiểm”, riêng vấn đề đầu tư nước ngoài lại phải “tiền kiểm” khi cấp phép thành lập doanh nghiệp. Việc “tiền kiểm” này giúp cơ quan nhà nước nắm bắt được quy mô, ngành nghề, tỷ lệ vốn FDI… mà nhà đầu tư nước ngoài muốn “rót” vào Việt Nam từ đó áp dụng một số nguyên tắc hạn chế phù hợp. Vấn đề này thể hiện rõ qua yêu cầu đăng ký, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp.
So sánh với quy định Luật Doanh nghiệp hiện hành, rõ ràng đã có sự mâu thuẫn vì văn bản này không yêu cầu bên đăng ký doanh nghiệp tư nhân cung cấp Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hạn chế trên có thể xuất phát từ sự sơ sót trong quá trình soạn thảo bởi với các loại hình doanh nghiệp còn lại Luật Doanh nghiệp đều yêu cầu cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 không yêu cầu bản sao giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân sẽ dẫn đến tình trạng, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài không bảo đảm điều kiện đầu tư vẫn được thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Bởi vì, khi chủ thể đăng ký kinh doanh nộp bản sao giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tức là yêu cầu đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã được cơ quan nhà nước xét duyệt và chấp nhận. Trường hợp không nộp bản sao này mà cho phép nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân đồng nghĩa với việc cơ quan nhà nước chưa kịp xem xét yêu cầu đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn FDI không hiệu quả, không phù hợp với quy hoạch của nhà nước, từ đó gây nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là những hệ quả nghiêm trọng về môi trường của các doanh nghiệp FDI như thời gian qua.
Vì vậy, cần phải bổ sung yêu cầu về bản sao giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân để vừa bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
--------------------------
(*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ