Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nestlé Việt Nam với hành trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và thực hiện CSR

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đang từng bước chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, công ty cũng đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng tại địa phương nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam phát biểu tại hội thảo về phát triển bền vững. Ảnh: Nestlé Việt Nam

Thực hiện kinh tế tuần hoàn

Theo ông Binu Jacob, Tổng giám đốc của Nestlé Việt Nam, hoạt động của con người và quá trình sản xuất của doanh nghiệp đang làm cho môi trường ô nhiễm hơn, tài nguyên thêm cạn kiệt, phá vỡ vòng tuần hoàn tái tạo tự nhiên và gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, doanh nghiệp cần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết vấn đề này.

Ý kiến trên được ông đưa ra trong trong Hội nghị Phát triển Bền vững 2023 với chủ đề “Con đường màu xanh”, được tổ chức vào giữa tháng Tư vừa qua tại TPHCM. Đây là sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đi đầu về kinh doanh có trách nhiệm.

Kinh tế tuyến tính là mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu, sản phẩm để bán ra thị trường, đi kèm với đó là thải rác ra môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhằm tăng vòng đời của nguyên liệu, sản phẩm, từ đó giúp giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, theo doanh nhân này, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế tác động đến môi trường, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng mà còn giúp chuyển dịch mô hình hoạt động nhưng vẫn duy trì tăng trưởng.

Hiện tại, Nestlé đã thực hiện nhiều hoạt động giúp giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên. Trong đó, việc cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.

Công ty cũng sử dụng nhựa PE tái sinh cho bao bì sản phẩm NESCAFÉ, chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền. Hiện Nestlé Việt Nam cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp giúp tái chế dễ dàng hơn.

Trong sản xuất, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải.

Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng như chương trình “Nói không với nhựa dùng một lần”, “Thu gom và phân loại bao bì đã qua sử dụng”.

Làm nông nghiệp tái sinh

Theo ông Jacob, hiện công ty cũng đang thúc đẩy nền nông nghiệp phát thải thấp qua mô hình nông nghiệp tái sinh. Mô hình nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ NESCAFÉ Plan, chương trình phát triển bền vững triển khai từ năm 2011. Trong đó, công ty chia sẻ với nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên cách kết hợp đồng thời 5 giải pháp là trồng xen canh hợp lý, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, tiết kiệm nước, đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng đất trồng.

“Chúng tôi khích khuyến người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, là một phương thức dựa trên chất lượng đất và cây trồng”, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói.

Sau 12 năm thực hiện, chương trình NESCAFÉ Plan đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân ở Tây Nguyên tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, tập huấn về canh tác cà phê bền vững cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối hơn 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao, giúp người nông dân tiết kiệm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, giảm 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Từ đó, chương trình đã giúp nông dân cải thiện thu nhập và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Nestlé Việt Nam triển khai chương trình nông nghiệp tái tạo giúp nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác bền vững. Ảnh: Nestlé Việt Nam

Thực hiện nhiều hoạt động CSR 

Cùng với các chương trình trên, Nestlé còn thực hiện nhiều hoạt động để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Trong đó, có đào tạo nhân lực, tạo sinh kế, giúp tăng thu nhập cho ngườn trồng cà phê và nâng cao quyền phụ nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Trong gần 30 năm qua, qua các hoạt động của doanh nghiệp, Nestlé Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho hơn 2.300 lao động trực tiếp, gần 10.000 lao động gián tiếp. Hàng năm, ngoài việc tuyển dụng đội ngũ lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh, công ty còn thực hiện những chương trình như “Thực tập sinh quản trị”, “Thắp sáng tài năng Việt” giúp các sinh viên đại học sắp hoặc mới ra trường trải nghiệm thực tiễn, đào tạo kỹ năng qua công việc thực tế, từ đó nâng cao tay nghề và kiến thức chuyên môn. Đây chính là hai nguồn chính giúp bổ sung lực lượng lao động chất lượng cao cũng như các lãnh đạo cấp cao tiềm năng cho công ty.

Nestlé Việt Nam cũng cam kết đảm bảo bình đẳng giới, dựa trên giá trị về tôn trọng sự khác biệt và nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ. Tại công ty này, tỷ lệ nữ giới giữ các vị trí quản lý cấp cao, lãnh đạo bằng thậm chí có nhiều giai đoạn đã vượt số lượng nam đồng nghiệp.

Mục tiêu trên cũng được công ty thể hiện xuyên suốt trong các chương trình hợp tác với nông dân. Trong đó, chương trình NESCAFÉ Plan không chỉ hỗ trợ hàng trăm ngàn hộ trồng cà phê ở vùng Tây Nguyên tiếp cận phương thức canh tác bền vững, giúp tăng thu nhập còn góp phần nâng cao vai trò và vị thế người phụ nữ. Công ty đã đào tạo đội ngũ nữ trưởng nhóm nông dân tham gia dự án, giúp nữ giới giữ vai trò chủ động hơn trên chính vườn cà phê của gia đình...

Cho đến nay, đã có 274 nhóm nông dân được thành lập. Trong đó, có 30% nữ trưởng nhóm. Công ty cũng đang hợp tác cùng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam thực hiện chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” trên toàn quốc.

Từ năm 2020 đến nay, đã có tổng số 22 tỉnh/ thành phối hợp triển khai chương trình này, với 8.000 hội viên được tham gia tập huấn kiến thức dinh dưỡng và xây dựng lối sống vui khỏe; hơn 1,2 triệu hộ gia đình được tiếp cận kiến thức dinh dưỡng và kiến thức sản phẩm; hơn 3.000 hội viên khởi tạo và duy trì quầy hàng “An toàn - Vui khỏe - Tiện lợi”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới