Thứ Hai, 1/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nếu hàng Việt muốn thắng trong thương mại điện tử xuyên biên giới…

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Chúng ta phải nghĩ tới chiến lược xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa Việt Nam, làm sao để người tiêu dùng nghĩ tới hàng Việt là nghĩ đến chất lượng tương xứng giá thành”, TS. Thái Kim Phụng, Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), thành viên Hội đồng phát triển ngành thương mại điện tử TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Vì sao lép vế?

KTSG: Thưa ông, thương mại điện tử (TMĐT) được cho là sẽ thúc đẩy mạnh nền kinh tế tiêu dùng, với vòng đời sử dụng mỗi sản phẩm ngắn hơn và cạnh tranh chủ yếu nằm ở mức giá. Chỉ có điều, đối với những nền sản xuất chưa mạnh như Việt Nam, chúng ta sẽ chịu sức ép về nguồn cung hàng hóa và giá thành sản phẩm. Điều này cần được nhìn nhận như thế nào?

– TS. Thái Kim Phụng: Từ khi ra đời, TMĐT càng ngày càng cung cấp nhiều tiện ích, giúp tối ưu hóa quá trình mua sắm của người dùng, từ đó, thúc đẩy sự tăng trưởng trong tiêu dùng.

Theo báo cáo mới nhất của Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, tương đương mức 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thời điểm 2023, TMĐT chiếm khoảng 7,8-8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Báo cáo quí 3-2023 của Metric cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên mua sắm trên sàn bán lẻ trực tuyến với các sản phẩm ở phân khúc giá trung bình dưới 350.000 đồng (nhiều nhất ở khoảng giá 200.000-350.000 đồng, theo sau đó là 100.000-150.000 đồng và 150.000-200.000 đồng).

Dù Việt Nam có nhiều lợi thế về TMĐT, sự phát triển này đồng thời đặt ra thách thức đối với nguồn cung trong nước, đặc biệt là nguồn cung từ các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Chúng ta cần nhìn thẳng vào một số nguyên nhân đang tồn tại.

Thứ nhất, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tương đối thấp, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2020 thuộc nhóm thấp nhất khu vực (chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar) với chênh lệch tuyệt đối có xu hướng gia tăng. Năng suất lao động chưa cải thiện, nền sản xuất chưa thể tăng sức cạnh tranh, tạo ra những hàng hóa chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.

Thứ hai là sự thiếu hụt lao động tay nghề cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo. Vì thế, doanh nghiệp Việt phải “nhường sân” cho hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Thứ ba, do doanh nghiệp Việt phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, giá thành sản xuất bị phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 5-2024 chỉ rõ, chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng. Đó cũng là điểm bất lợi khiến hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh không bằng sản phẩm nhập khẩu.

KTSG: Trước sự lấn sân của hàng hóa nước ngoài thông qua hoạt động TMĐT xuyên biên giới, việc áp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa giá trị thấp (dưới 1 triệu đồng) đang được thảo luận. Ông bình luận như thế nào về đề xuất này?

– Vấn đề này có tính lịch sử. Quyết định 78/2010/QĐ-TTG với nội dung hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng được ban hành khi TMĐT hay TMĐT xuyên biên giới chưa phải là một câu chuyện thực tiễn.

Sau 14 năm, tính trung bình, quy mô giao dịch hàng hóa được điều chỉnh bởi Quyết định 78 trên các sàn TMĐT thông dụng như Shopee, Lazada, TikTok… dao động khoảng 45-63 triệu đô la Mỹ/ngày, nghĩa là 1,3-1,9 tỉ đô la Mỹ/tháng, khoảng 20 tỉ đô la Mỹ/năm.

Rõ ràng, việc áp dụng Quyết định 78 không còn phù hợp. Hàng hóa Việt Nam đang bị cạnh tranh không bình đẳng và lép vế hoàn toàn trên sân chơi TMĐT phục vụ nhu cầu nội địa, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Điều này cần phải được điều chỉnh.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án hợp lý. Việc xác định mức chịu thuế hay cách thức áp dụng chính sách thuế cần cẩn trọng, đáp ứng điều kiện thực tế mà vẫn đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng cho hàng hóa trong nước và hàng hóa ngoại nhập, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Để tận dụng TMĐT xuyên biên giới

KTSG: Dường như, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được nền sản xuất nội địa, cân đối cung – cầu trên thị trường truyền thống cũng như trên các sàn TMĐT. Nếu tiếp cận từ góc độ này, theo ông, chúng ta nên cân nhắc những giải pháp nào?

– Đầu tiên, tăng năng suất lao động phải được thực hiện thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho người lao động. Chúng ta phải xây dựng được những chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu hình thành những mô hình thúc đẩy việc tăng năng suất.

Thứ hai, đa số doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam thuộc nhóm nhỏ và vừa nhưng họ có mặt ở khắp các địa phương, vùng kinh tế và có thể tận dụng nguồn lực bản địa tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa. Họ cần được hỗ trợ về tài chính, đào tạo, tư vấn công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí tạo ra sản phẩm thông qua áp dụng công nghệ mới, sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

Thứ ba, cần phải xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, linh hoạt, kết nối nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ logistics, đảm bảo nguồn cung ổn định và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong những ngành Việt Nam có lợi thế, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, robot vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Cuối cùng là các chính sách ưu đãi thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên vật liệu giá rẻ.

Tôi xin lưu ý thêm, điểm yếu của doanh nghiệp Việt hiện tại không chỉ nằm ở sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa mà còn ở cả khâu logistics, năng lực ứng dụng công nghệ… Doanh nghiệp cần phải cải thiện khâu logistics, bao gồm cả quy trình hoàn trả sản phẩm. Theo một thống kê, số lượng đơn hàng bị hoàn trả vào khoảng 30%, kỳ vọng của người tiêu dùng không chỉ tập trung vào thương hiệu và trải nghiệm mua sắm mà còn nằm ở sự thuận tiện khi hoàn trả.

Về nền tảng công nghệ, các doanh nghiệp đầu tư vào TMĐT có xu hướng đa dạng hóa kênh phân phối. Bài toán đặt ra là phải tích hợp được các kênh bán hàng, tìm được giải pháp công nghệ cho xu hướng bán hàng đa kênh (Omni-channel). Chỉ như vậy, các khách hàng mới được đối xử công bằng, được trải nghiệm liền mạch, làm gia tăng đơn hàng và quản lý việc bán hàng hiệu quả hơn.

KTSG: Xu hướng TMĐT xuyên biên giới cũng mở ra cơ hội cho hàng Việt thâm nhập các thị trường ngoài nước. Để có chỗ đứng trên thị trường TMĐT xuyên biên giới, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là gì?

– Các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada… có vai trò không thể phủ nhận trong thúc đẩy hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Các doanh nghiệp đều có thể xây dựng gian hàng trên các sàn này, tập trung đầu tư vào tính cạnh tranh của sản phẩm, phần hậu cần logistics dựa vào các sàn, với mức phí theo quy định.

Doanh nghiệp Việt còn có lợi thế từ 16 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực tính tới tháng 8-2023. Hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế lớn về thuế so với các nhà cung cấp Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Dù vậy, nếu muốn bán hàng ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của bên nhập khẩu.

Thứ hai là vấn đề tìm kiếm thị trường. Doanh nghiệp cần có một chiến lược rõ ràng hiệu quả, sử dụng các công cụ digital marketing bao gồm chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, e-mail marketing, các công cụ tích hợp thông minh để tạo sự chú ý cho sản phẩm dịch vụ trên thị trường kể cả trong nước và quốc tế. Thiết kế bao bì, công nghệ đóng gói phải đồng bộ, chuẩn chỉnh, hỗ trợ cho việc nhận diện sản phẩm, thương hiệu.

KTSG: Vậy doanh nghiệp cần sự hỗ trợ gì từ phía quản lý nhà nước, thưa ông?

– Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững TMĐT thì cần phải xây dựng và làm chủ được nền tảng công nghệ. Đó là sân chơi của doanh nghiệp trong và ngoài nước, nơi chất lượng hàng hóa, quá trình phân phối và chế độ hậu mãi được quy định và kiểm soát theo một quy trình chặt chẽ. Chúng ta cũng cần hướng tới mục tiêu này.

Ngoài ra, vấn đề niềm tin tác động lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng TMĐT. Ngoài sự tự ý thức của từng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các chính sách xây dựng môi trường kinh doanh TMĐT tương đối minh bạch. Nhìn rộng hơn, chúng ta phải nghĩ tới chiến lược xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa Việt Nam, làm sao để người tiêu dùng nghĩ tới hàng Việt là nghĩ đến chất lượng tương xứng giá thành.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới