Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nếu ngành hàng không chịu dựng bảng về ‘thành tích ngược’

Trần Hữu Hiệp(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Delay airlines” hay “Sorry airlines” là thương hiệu hài hước mà hành khách dành cho các hãng hàng không thường xuyên trễ giờ, hủy chuyến. Các chuyến bay “giờ dây thun” này không chỉ gây khó chịu cho khách hàng mà còn làm thiệt hại vật chất, ảnh hưởng uy tín của họ với đối tác làm ăn và nhìn rộng hơn là làm xấu thương hiệu hàng không Việt Nam.

Trong khi hạ tầng hàng không được đầu tư tốt hơn, số máy bay được mua sắm nhiều hơn, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn nhờ có nhiều hãng bay, thì số chuyến bay bị trễ, bị hủy không hiểu sao lại nhiều hơn. Đáng lo ngại là tình trạng này đang ngày càng trở nên tệ hơn.

Tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam năm 2022 giảm gần 5%, số chuyến bay bị trễ tăng tương đương và số chuyến bị hủy cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2023, tỷ lệ bay đúng giờ của toàn ngành đạt hơn 80%, tiếp tục giảm so với các cái Tết trước đó.

Trên mạng xã hội, các YouTuber, TikToker, Blogger cũng phản ánh tình trạng nhân viên các hãng hàng không lóng ngóng, thiếu sự trợ giúp khách hàng, làm việc như đang mơ ngủ. Phải chăng, họ đã quên bài sau thời gian gián đoạn công việc khá dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay bản thân họ làm việc thiếu chuyên nghiệp?

Có thể không xét đến các yếu tố thời tiết, yêu cầu đảm bảo an ninh đã được loại bỏ khỏi trách nhiệm bồi thường của các hãng hàng không. Hiện trạng còn nhiều điều phải nói đến, từ các vấn đề về kỹ thuật, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chất lượng chuỗi dịch vụ hàng không từ doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga đến chất lượng phục vụ hành khách, quy định trách nhiệm bồi thường chưa đủ mức răn đe và thiếu “chế tài tinh thần” để các hãng hàng không phải có trách nhiệm chăm lo thương hiệu của mình tốt hơn. Chưa kể, ý thức tuân thủ quy định của khách đi máy bay còn hạn chế. Những trò đùa tai hại kiểu “thông tin có bom” cũng dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Thường khi xảy ra tình trạng trễ chuyến, hủy chuyến rất khó xác định trách nhiệm bồi thường do tính chất dịch vụ dây chuyền của nó. Chuyến bay này chậm kéo theo sự chậm trễ của nhiều chuyến bay khác, có thể do nhiều nguyên nhân nhưng trách nhiệm sau cuối vẫn là các hãng hàng không. Tiếc là, cho tới nay vẫn không thấy được nỗ lực đáng nói nào nhằm khắc phục tình trạng trễ, hủy chuyến bay của các hãng hàng không.

Cho đến nay, hàng không vẫn là phương thức di chuyển với nhiều ưu thế nhất và cũng đắt đỏ nhất. Ngày càng có nhiều người ưu tiên chọn đi máy bay. Chỉ riêng năm 2022, có khoảng 80 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ đi lại của các cảng hàng không của Việt Nam, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt. Hàng không vẫn là một phân khúc hấp dẫn của các hãng bay.

Tình trạng chậm, hủy chuyến bay lâu nay vẫn là bài toán đau đầu đối với toàn ngành hàng không. Thiết nghĩ, nếu mà các cảng vụ, sân bay định kỳ thông tin công khai tấm bảng về “thành tích ngược” gây ra các chuyến bay bị trễ, bị hủy chuyến của từng hãng hàng không cùng với các thông tin cần thiết như một tấm bảng đo lường chỉ số “năng lực cạnh tranh” thực tế của các hãng hàng không, một lời cam kết quyết tâm hạn chế trễ bay hủy chuyến vì khách hàng. Đó cũng chính là cách nhà quản lý “chế tài” để các hãng phải luôn có trách nhiệm bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu cho mình.

Con đường đi của các hãng bay từ “delay airlines, sorry airlines” đến “very good airlines” nhanh hay chậm, dài hay ngắn không phụ thuộc vào không gian vật lý và vận tốc bay, mà chính là giá trị thương hiệu của các hãng bay, những nỗ lực mang tính chuyên nghiệp, là ý thức, trách nhiệm của các bên liên quan.

(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

1 BÌNH LUẬN

  1. Trăm dâu cũng không thể đổ hết đầu tằm ? Quá nhiều sân bay, mặc dù sân bay gánh lỗ kéo dài lên đến tỷ lệ gần 90%, cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng phục vụ yếu kém, hiện tượng delay/ sorry… xảy ra liên tục với ngành hàng không. Bởi lẽ với số lượng máy bay hạn chế, nhưng phải phân tán nguồn lực ra để phục vụ đón khách nhiều sân bay, thì làm sao tránh khỏi hiện tượng trễ giờ, trễ chuyến… thường xuyên được ? Một bài toán kinh doanh có hiệu quả đối với ngành hàng không, không chỉ là việc điều phối những chuyến bay, mà vấn đề lớn hơn chính là quy hoạch hệ thống sân bay nói riêng + năng lực bổ sung của hệ thống giao thông vận tải từ các loại hình đường bộ/ đường sắt/ đường thủy…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới