Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nếu phải vay thêm, thì chỉ vay cho phòng, chống dịch

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chính phủ mới đây đã công bố một số chi tiết về tình hình tài chính dành cho chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021(1).

Có khá nhiều con số, nhưng tóm lại là về mặt nguồn lực, trung ương và địa phương đã phải huy động đến cả những nguồn chỉ dùng cho những trường hợp không còn cách nào khác gồm nguồn dự phòng, hoặc nguồn không thường xuyên như tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, bên cạnh những nguồn bất thường như Quỹ Vaccine – tức tiền của dân chứ không phải ngân sách nhà nước. Sau khi đã trừ đi phần chi tiêu trong tám tháng đầu năm, tổng cộng ngân sách trung ương và địa phương còn lại (cho việc phòng, chống dịch) chỉ khoảng 52.000 tỉ đồng.

Còn một nguồn có khả năng trông vào là khoản cải cách tiền lương 122.000 tỉ đồng. Nhưng khoản này theo quy định là chỉ được dùng để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19. Nên dù có được Quốc hội đồng ý dùng khoản này chi cho phòng, chống dịch thì cũng chỉ là kiểu giật gấu vá vai, theo đó Chính phủ sẽ buộc phải cắt giảm phần hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp khó khăn một cách tương ứng với phần trích ra để chi cho phòng, chống dịch.

Số tiền 52.000 tỉ đồng nguồn ngân sách nhà nước còn lại nói trên thì… quá ít so với nhu cầu phòng, chống dịch sắp tới. Chỉ riêng tiền mua vaccine sắp tới đã cần đến 16.000 tỉ đồng, chưa kể có khi phải mua thêm để tiêm nhắc lại. Theo Bộ Y tế, nếu cả nước có 300.000 người nhiễm Covid-19, trong 28 ngày cần chăm sóc y tế, số tiền ngân sách nhà nước cần chi ra là hơn 60.000 tỉ đồng.

Như vậy, có thể nói sức khỏe tài chính quốc gia đang rất ngặt nghèo, hầu như không còn nguồn để khai thác thêm, trong khi nhu cầu chi dù chỉ để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại nhân mạng trong những tháng tới có thể là rất lớn, đặc biệt khi mà dịch vẫn có khả năng cao bùng phát (lại) ở nhiều địa phương.

Đã có nhiều người nhắc đến, đề xuất chuyện tăng vay nợ quốc gia để ngân sách có thêm tiền, với lý do là tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn đáng kể mức trần. Nhưng xin lưu ý một điểm quan trọng là tỷ lệ này thấp bởi GDP của Việt Nam đã được “điều chỉnh” tăng tới hơn 20% do thay đổi cách/phạm vi tính toán, làm giảm mạnh tỷ lệ nợ công/GDP chỉ sau một đêm. Cũng chính vì điều này mà Quốc hội đã hạ chỉ tiêu nợ công của Việt Nam xuống so với trước đây để phản ánh thực chất hơn con số thống kê được dùng tại Việt Nam – nợ công vẫn đang tăng nhanh ở Việt Nam chứ không phải ngược lại.

Trước viễn cảnh sẽ phải chi rất nhiều cho chỉ riêng phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân, chắc chắn Việt Nam không còn cách nào khác ngoài phải tăng vay nợ. Nhưng trong bối cảnh nợ công đã nhiều nên việc tăng vay nợ, khi bắt buộc thực hiện, cần rất cẩn trọng.

Theo hướng này, việc tăng vay nợ trước hết cần được ưu tiên cho và khống chế theo nhu cầu chi phòng, chống dịch. Nếu “cực chẳng đã”, phải tăng chi hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, mà mục đích cuối cùng cũng là để giảm thiểu thiệt hại sức khỏe vì người dân đã kiệt quệ, thì có thể cần thiết tăng vay nợ tương ứng.

Còn những mục tiêu chi khác từ ngân sách nhà nước, từ tăng nợ công cần được gác lại. Trong đó ít nhất gồm tăng ngân sách dành cho đầu tư công hoặc thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công hiện hành. Một tham khảo chính sách về điều này là việc Malaysia quyết định hủy bỏ một dự án đường sắt cao tốc nối với Singapore và vì thế, đã phải bồi thường cho Singapore nhiều triệu đô la tiền vi phạm hợp đồng, bởi Malaysia thấy dự án này là không thể kham nổi với tình hình ngân sách căng thẳng của nước này.

Do đó, Việt Nam cũng phải mạnh dạn chấp nhận thiệt hại về kinh tế khi ngân sách không thể chịu đựng nổi nữa. Nói cách khác, Việt Nam cần chọn mục tiêu ưu tiên chi ngân sách: Hoặc là chống dịch, bảo toàn nhân mạng người dân, hoặc là dàn hàng ngang cùng tiến – vừa chống dịch vừa duy trì/đảm bảo tăng trưởng kinh tế – để rồi cả hai mục tiêu đều thất bại.

Mọi sự chủ quan về chính sách gồm dự báo lạc quan về tình hình dịch bệnh cũng như khả năng phòng, chống dịch bệnh là hết sức nguy hiểm, như thực tế đã cho thấy rõ thời gian qua. Ngay như Singapore cuối cùng cũng không thể thoát ly được các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội lặp đi lặp lại dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng đến 90% dân số và đang chuẩn bị tiêm mũi thứ ba thì chúng ta đừng nên lạc quan quá vào viễn cảnh bình thường hóa trở lại vào những tháng cuối năm nay ở Việt Nam.

(1) https://vnexpress.net/ngan-sach-co-bao-nhieu-de-chong-dich-4360531.html?utm_source=facebook&utm_medium=native&utm_campaign=fanpage

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới