(KTSG Online) – Công ty The New York Times Co. (NYT), chủ sở hữu của tờ New York Times của Mỹ, khởi kiện tập đoàn công nghệ Microsoft và OpenAI, chủ sở hữu của ChatGTP với cáo buộc vi phạm bản quyền. Vụ kiện mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến pháp lý ngày càng căng thẳng liên quan đến việc sử dụng trái phép nội dung báo chí để đào tạo các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có thể tạo ra những tác động sâu rộng đến tương lai của ngành xuất bản tin tức.
- Trí tuệ nhân tạo và quyền tác giả – vẫn chưa ngã ngũ!
- 8.000 nhà văn Mỹ yêu cầu các công ty AI trả tiền khi sử dụng tác phẩm
Bị cáo buộc sử dụng trái phép hàng triệu bài báo của NYT
Trong đơn kiện đệ trình ra tòa án liên bang ở New York hôm 27-12, NYT cáo buộc, Microsoft và OpenAI khai thác các nội dung của tờ báo này mà không xin phép để tạo ra các sản phẩm AI bao gồm chatbot ChatGPT của OpenAi và Copilot, trợ lý AI của Microsoft. Đơn kiện cho rằng, các công cụ này được đào tạo dựa trên hàng triệu bài báo của NYT và dựa vào chúng đó để đưa ra câu trả lời cho truy vấn của người dùng. Điều này có nghĩa là ChatGPT giờ đây cạnh tranh với NYT như là nguồn thông tin đáng tin cậy.
NYT cũng đưa ra ví dụ về công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft, có một số tính năng được hỗ trợ bởi ChatGP, tạo ra các kết quả được lấy từ trang web thuộc sở hữu của NYT mà không liên kết đến bài viết hoặc bao gồm các liên kết giới thiệu mà NYT sử dụng để tạo thu nhập.
Vụ kiện mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa các công ty công nghệ và công ty truyền thông về tính kinh tế của internet. Theo NYT, vụ kiện được tiến hành sau khi không đạt được kết quả trong các cuộc đàm phán thương mại với Microsoft và OpenAI.
Nội dung đơn kiện khẳng định, các nội dung của NYT là một trong những nguồn thông tin độc quyền lớn nhất cho ChatGPT và các sản phẩm AI của Microsoft. NYT cho rằng, công cụ AI của các bị đơn chuyển hướng lưu lượng truy cập vốn lẽ ra sẽ đi đến các nền tảng web của NYT. Điều này khiến tờ báo làm mất đi doanh thu quảng cáo, phí cấp phép sử dụng nội và phí thuê bao nội dung.
Đơn kiện không nêu ra số tiền đòi bồi thường chính xác, nhưng nói rằng các bị đơn phải chịu trách nhiệm về “những thiệt hại thực tế và theo luật định trị giá hàng tỉ đô la” liên quan đến “việc sao chép và sử dụng bất hợp pháp các tác phẩm có giá trị độc nhất của NYT”.
NYT cũng yêu cầu tòa ngăn chặn Microsoft và OpenAI sử dụng nội dung của báo này và tiêu hủy các bộ dữ liệu của NYT mà họ sử dụng để đào tạo AI.
“Sản phẩm báo chí của NYT là công việc của hàng nghìn nhà báo, được trả thù lao hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm. Bằng cách sử dụng chúng mà không xin phép hoặc trả phí, các bị đơn đã tránh được việc chi hàng tỉ đô la mà NYT đã đầu tư để tạo ra các tác phẩm báo chí một cách hiệu quả”, đơn kiện cho biết.
Bác bỏ lập luận “sử dụng hợp lý”
Các công ty công nghệ xây dựng các công cụ AI tạo sinh thường lập luận rằng nội dung có sẵn trên internet mở có thể được sử dụng để đào tạo công nghệ của họ theo một nguyên tắc trong pháp luật sở hữu trí tuệ được gọi là “sử dụng hợp lý” (fair use). Nguyên tắc này cho phép sử dụng tài liệu có bản quyền mà không cần xin phép trong một số trường hợp nhất định như bình luận công khai, phê bình, báo cáo tin tức, nghiên cứu, giáo dục phi lợi nhuận.
Trong đơn kiện, NYT bác bỏ lập luận “sử dụng hợp lý” vì các công cụ AI của Microsoft và OpenAI có thể cung cấp những đoạn văn bản lớn, gần như nguyên văn, từ các bài báo của NYT.
NYT cho biết các công cụ AI của OpenAI và Microsoft một phần được xây dựng dựa trên nội dung của báo này, gúp mức định giá của họ tăng lên đáng kể. OpenAI đang đàm phán huy động thêm vốn dựa trên mức định giá 100 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Microsoft tăng 58% trong năm qua, đưa vốn hóa của tập đoàn công nghệ này lên mức 2.780 tỉ đô la.
“Việc sử dụng tài sản trí tuệ có giá trị của người khác theo những cách mà không phải trả tiền là cực kỳ sinh lợi cho các bị đơn”, NYT cho biết trong đơn kiện.
NYT đã cung cấp một số ví dụ về kết quả đầu ra từ ChatGPT của OpenAI có nội dung gần giống với những đoạn trong các bài báo của NYT. Ví dụ, ChatGPT đã trích dẫn phần lớn một bài báo năm 2019 của NYT dựa trên cuộc điều tra kéo dài 18 tháng về hoạt động cho vay nặng lãi trong ngành taxi của thành phố New York.
“Nếu Microsoft và OpenAI muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi cho mục đích thương mại, luật pháp yêu cầu họ phải có sự cho phép của chúng tôi trước. Nhưng họ đã không làm như vậy”, người phát ngôn của NYT nói.
Nguy cơ xảy ra bất đồng trong thế giới xuất bản
Cho đến nay, bối cảnh pháp lý xung quanh AI tạo sinh vẫn còn mơ hồ, vì công nghệ này vẫn còn phát triển ở giai đoạn đầu. Trước đó, đã có nhiều vụ kiện phản đối các công ty AI “cạo” nội dung từ web để đào tạo các công cụ AI, bao gồm cả vụ kiện của một số tác giả sách nổi tiếng chống lại OpenAI. Hồi tháng 2, Công ty truyền thông hình ảnh Getty Images kiện Stability AI, một công ty AI ở bang Delaware, cáo buộc công ty này vi phạm bản quyền của Getty.
Vụ kiện của NYT làm tăng nguy cơ xảy ra bất đồng trong thế giới xuất bản, nếu một số cơ quan báo chí lớn theo đuổi hành động pháp lý như NYT, trong khi những cơ quan báo chí khác đàm phán để được bồi thường từ OpenAI, Microsoft và Google, những bên khai thác nội dung của họ để đào tạo AI.
Hiện tại, một số nhà xuất bản tin tức, gồm Associated Press và Axel Springer, Politico và Business Insider, đã đạt được thỏa thuận thương mại để cấp phép nội dung cho OpenAI.
Barry Diller, chủ tịch IAC, công ty sở hữu các trang web như Better Homes & Gardens, People và Verywell Health, cho rằng, bản quyền của các nhà xuất bản đang bị vi phạm.
Robert Thomson, CEO của News Corp, công ty mẹ của Wall Street Journal, đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về AI, bao gồm khả năng các công cụ AI sử dụng nội dung của các nhà xuất bản mà không xin phép. News Corp đã tiến hành đàm phán thương mại với cho các công ty AI nhưng chưa công bố bất kỳ thỏa thuận cấp phép sử dụng nội dung nào.
OpenAI bắt đầu thu hút sự chú ý vào cuối năm ngoái khi ra mắt ChatGPT, có thể trả lời bằng văn bản nhuần nguyễn như con người cho các truy vấn của người dùng về hầu hết mọi thứ, từ công thức chế biến sốt salsa của Mexico, kế hoạch cho chuyến du lịch Hy Lạp cho đến thông tin về các sự kiện lịch sử.
Microsoft tham gia vào cuộc chơi với tư cách là đối tác chính của OpenAI, cam kết đầu tư 13 tỉ đô la vào công ty này để đổi lấy 49% cổ phần ở đơn vị hoạt động vì lợi nhuận của OpenAI. Microsoft trước đây thừa nhận những lo ngại về các vi phạm bản quyền tiềm ẩn đối với các sản phẩm AI. Hồi tháng 9, Microsoft thông báo, nếu khách hàng sử dụng các sản phẩm AI của công bị khiếu kiện về bản quyền, công ty sẽ bồi thường cho họ và trang trải các chi phí pháp lý liên quan.
Hồi tháng 10, Andreessen Horowitz, một công ty đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư sớm vào OpenAI, viết trong bình luận gửi tới Văn phòng Bản quyền Mỹ, rằng việc đặt công ty AI trước các rủi ro về các vấn đề bản quyền sẽ “giết chết hoặc cản trở đáng kể sự phát triển của họ”.
“Kết quả sẽ là ít cạnh tranh hơn, ít đổi mới hơn nhiều và rất có thể Mỹ sẽ mất vị trí dẫn đầu về sự phát AI trên toàn cầu”, Andreessen Horowitz cảnh báo.
Theo WSJ, New York Times, Bloomberg
Nước Mỹ, rất độc đáo. Cái gì cũng có thể kiện. Kiện có thể thắng, bất kể yếu hoặc mạnh. Nhưng chưa thấy ai kiện Tòa tối cao ?