(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo, Nga có thể giảm sản lượng dầu 500.000-700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023 để đáp trả việc nhóm các cường quốc G7 và Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của nước này.
- Giá trần đối với dầu Nga và chuyện gì sẽ xảy ra
- OPEC+ duy trì hạn chế sản lượng dù dầu Nga bị áp giá trần
“Chúng tôi đã sẵn sàng cắt giảm một phần sản lượng vào đầu năm tới”, ông Novak cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24 của Nga hôm 23-12. Khối lượng cắt giảm tương đương khoảng 5-6% sản lượng dầu của Nga hiện đang bơm.
Ông nói tiếp: “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung với các đối tác của mình để ngăn chặn những rủi ro như vậy. Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi thà chấp nhận rủi ro cắt giảm sản lượng hơn là tuân theo chính sách bán dầu theo giá trần”.
Dù ông Novak cho rằng sản lượng cắt giảm tiềm năng là không đáng kể thì việc cắt giảm quy mô đó vẫn có thể thắt chặt thị trường dầu toàn cầu vào thời điểm mà nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi khi Bắc Kinh dần tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Novak, nhà đàm phán chính của Moscow tại OPEC+, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài, tái khẳng định Nga sẽ không bán dầu cho các bên mua và các quốc gia sử dụng cơ chế giá trần của phương Tây. Ông cho biết, các nhà sản xuất dầu của Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu của họ sang các thị trường cạnh tranh, bao gồm cả châu Á vì năng lượng của Nga vẫn còn nhu cầu cao trên toàn cầu.
Giá dầu đã tăng trở lại trong hai tuần qua và tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi Nga cảnh báo cắt giảm sản lượng. Chốt phiên giao dịch hôm 23-12, giá dầu chuẩn quốc tế Brent tăng 3,6%, lên mức 83,92 đô la Mỹ/thùng.
Hôm 22-12, Tổng thống Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng ông sẽ ký một sắc lệnh để đáp trả cơ chế áp trần giá dầu Nga vào đầu tuần tới nhưng không cho biết chi tiết.
Theo Phó Thủ tướng Novak, sản lượng dầu cả năm 2022 của Nga có thể sẽ tăng lên 535 triệu tấn, tương đương khoảng 10,74 triệu thùng/ngày, dựa trên tỷ lệ 7,33 thùng trên mỗi tấn. Sản lượng dầu trung bình hàng ngày của Nga trong tháng 11 đạt mức cao nhất trong 8 tháng là 10,9 triệu thùng, theo dữ liệu của Bloomberg.
G7 và EU đã áp đặt giới hạn 60 đô la Mỹ/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bắt đầu vào ngày 5-12. Những bên không tuân thủ mức giới hạn này sẽ không được phép sử dụng các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và vận chuyển của các công ty châu Âu.
Động thái đó và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển của EU (cũng có hiệu lực vào ngày 5-12) được thiết kế để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin từ đó cản trở nguồn tài chính hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Giá thị trường đối với dầu thô Urals của Nga, được vận chuyển từ các cảng phía tây của nước này và chủ yếu đến châu Âu trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, hiện đang ở dưới mức trần.
Trong tuần đầu tiên sau lệnh cấm vận của EU, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga đã giảm 54%, xuống còn 1,6 triệu thùng/ ngày, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.
Các nguồn tin cho biết Nga sẽ theo dõi thị trường dầu trong quí đầu tiên của năm tới để đánh giá tác động của cơ chế áp giá trần của phương Tây trước khi quyết định có thực hiện các biện pháp trả đũa như áp giá sàn với dầu hay không. Điều này có nghĩa là Nga sẽ không cho phép các nhà sản xuất trong nước bán dầu dưới một ngưỡng giá cụ thể nào đó.
Xuất khẩu dầu của Nga qua các cảng ở biển Baltic có thể giảm 20% trong tháng 12 so với tháng trước do tác động của cơ chế áp giá trần, theo tính toán của các thương nhân và Reuters.
Theo Eli Tesfaye, nhà chiến lược thị trường tại Công ty RJO Futures, khả năng cắt giảm sản lượng dầu từ Nga có thể tiếp thêm động lực cho những người đầu cơ giá lên. "Nếu nhu cầu toàn cầu duy trì ở mức hiện tại, động thái cắt giảm đó có thể có tác động đáng kể đến thị trường và chúng ta có thể chứng kiến giá dầu nằm trong phạm vi 80 đô la Mỹ”, Tesfaye nói.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng UBS dự báo, giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 đô la Mỹ/thùng vào năm tới nếu Nga cắt giảm sản lượng giữa lúc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19. “Tuy nhiên, con đường đạt được giá cao hơn sẽ rất gập ghềnh”, ông nhận định.
Theo Bloomberg, Reuters