KTSG Online) – Điện Kremlin bất ngờ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển nhưng vẫn giữ lệnh cấm xuất khẩu xăng. Quyết định này được đưa chưa đầy 20 ngày sau khi Nga áp đặt lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước.
“Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu nhiên liệu diesel được giao đến các cảng biển bằng đường ống, với điều kiện nhà sản xuất phải cung cấp ít nhất 50% nguồn cung diesel cho thị trường nội địa”, thông báo của Điện Kremlin hôm 6-10 cho hay.
Thông báo cũng cho biết Nga tăng thuế xuất khẩu nhiên liệu đối với những nhà kinh doanh mua để bán lại lên 50.000 rúp (495,63 đô la) mỗi tấn từ 20.000 rúp. Đồng thời, Moscow tái phân bổ trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu. Chính sách trợ cấp này nhằm bù đắp cho các công ty lọc dầu khi họ bán nhiên liệu với giá rẻ hơn giá xuất khẩu cho thị trường trong nước.
Nga đã sốt sắng tìm cách giải quyết quyết tình trạng thiếu hụt và giá nhiên liệu cao trong những tháng gần đây vì điều này đặc biệt gây tổn hại cho nông dân trong mùa thu hoạch.
Lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu mà Moscow thực hiện vào tháng trước khiến giá nhiều liệu trên toàn cầu tăng cao và buộc một số khách hàng mua phải cạnh tranh để mua các nguồn xăng và dầu diesel thay thế từ những nơi khác. Trong khi đó, giá dầu diesel bán buôn trên sàn giao dịch nội địa giảm 21%, trong khi giá xăng giảm 10% kể từ khi lệnh cấm được ban hành.
Nga là nước xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển lớn nhất thế giới.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga hồi đầu năm nay, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước ở Bắc Phi và Tây Phi cũng như Trung Đông.
Động thái dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu diesel của Moscow đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường dầu diesel với giá ở châu Âu giảm hơn 3%, khi mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung giảm bớt. Giá dầu diesel ban đầu đầu tăng khi lệnh cấm được đưa ra cách đây hai tuần. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã mô tả lệnh cấm là bằng chứng nữa cho thấy “Nga không phải là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy”.
Chi phí nhiên liệu tăng đã trở thành một vấn đề bầu cử ở Mỹ, với việc các ứng cử viên tổng thống đại diện đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì giá nhiên liệu tăng mạnh trở lại. Ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump cáo buộc chính quyền bỏ bê ngành dầu mỏ trong nước.
Nhưng nếu động thái của Điện Kremlin được thiết kế để gieo rắc nỗi sợ hãi trên thị trường năng lượng quốc tế, thì phản ứng về giá cho chỉ Nga chỉ đạt được thành công hạn chế. Dầu thô Brent đã giảm trở lại mức 83 đô la/thùng trong hai tuần qua, kéo theo giá dầu diesel giảm, do các nhà giao dịch tập trung vào các mối đe dọa lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu và khả năng nhu cầu dầu tăng chậm lại.
Diesel là nhiên liệu chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vận tải biển và hàng không. Các sản phẩm phái sinh của dầu diesel, chẳng hạn như dầu sưởi, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá trong mùa đông. Nhưng giá dầu diesel cũng nhạy cảm trước các dấu hiệu sản lượng công nghiệp suy yếu.
Vẫn còn lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cố gắng sử dụng ảnh hưởng của Nga trên thị trường dầu mỏ để tác động đến cuộc bầu cử Mỹ, với việc ông Trump từng ẩn ý rằng ông sẽ cố gắng thúc ép Ukraine đàm phán hòa bình với Moscow.
Nga đã giảm nguồn cung dầu thô như một phần của thỏa thuận với Saudi Arabia và liên minh OPEC+, điều đã giúp đẩy giá dầu tăng mạnh trong mùa hè. Giá dầu tăng có khả năng thúc đẩy lạm phát, gây khó khăn thêm cho nỗ lực kiểm soát giá cả của các ngân hàng trung ương.
Moscow đổ lỗi cho tình trạng thiếu hụt trong nước khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng vào tháng trước. Trước đó, Nga cũng cắt giảm số tiền trợ cấp cho các công ty dầu mỏ của Nga để họ bán nhiên liệu giảm giá trong nước.
Lệnh cấm được một số nhà phân tích xem là lời cảnh báo đối với các công ty dầu mỏ của Nga để họ bảo đảm nguồn cung nhiên liệu cho thị trường trong nước, giúp bình ổn giá, thay vì ưu tiên xuất khẩu. Ông Putin không muốn lạm phát khiến cử tri bất mãn khi ông chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới,
Theo Financial Times, Reuters