Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nga không còn có thể tận dụng lợi thế của thị trường dầu mỏ toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nga đang tính đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ khổng lồ của nước này bằng cách cắt giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty phân tích thị trường hàng hóa S&P Global, nhận định nếu Nga hành động như vậy, các nước phương Tây có thể rút dầu từ kho dự trữ chiến lược của họ để làm dịu các căng thẳng nguồn cung. Và kết quả sẽ gây tổn thương hơn cho Moscow.

Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty phân tích thị trường hàng hóa S&P Global Yergin, cho rằng nếu cắt giảm sản lượng dầu, đây có thể là một tính toán sai lầm nữa của Điện Kremlin. Ảnh: Reuters

Thị trường dầu mỏ mang tính toàn cầu đã kết thúc

Trong bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal hôm 26-12, ông Yergin cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ bằng đường biển của Nga kết hợp với cơ chế áp giá trần với dầu của Nga do Mỹ khởi xướng, đã đánh dấu sự kết thúc của thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Thay vào đó là một thị trường bị chia cắt với biên giới thương mại được định hình không chỉ bởi yếu tố kinh tế và hậu cần mà còn cả chiến lược địa chính trị. Các chính phủ phương Tây đã tạo ra thị trường mới này trong nỗ lực bóp nghẹt nguồn thu từ dầu mỏ đang cung cấp tài chính cho các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Thị trường dầu mỏ chỉ thực sự trở nên mang tính toàn cầu với sự sụp đổ của cả Liên Xô và các rào cản được tạo ra trong cuộc Cách mạng tháng mười ở Nga vào một thế kỷ trước đó. Điều đó xảy ra đồng thời với sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, đưa nước này thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Dù thị trường dầu đã chứng kiến một số hạn chế kể từ đó, đáng chú ý nhất là các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Venezuela, hai trong số những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới, nhưng tính hiệu quả kinh tế quyết định phần lớn cách các thùng dầu vận chuyển trên toàn cầu.

Song hiện nay, thị trường dầu đã thay đổi. Trong những tháng sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, EU và Anh đã tuyên bố họ sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển bắt đầu từ ngày 5-12. Họ cũng cấm các công ty của họ cung cấp dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển đối với các lô hàng dầu thô của Nga đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Điều này khiến Nga không thể tiếp cận châu Âu, nơi từng là thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Nga.

Và phần lớn đội tàu chở dầu của thế giới có thể không còn khả năng chở các thùng dầu của Nga do cơ chế áp giá trần của phương Tây được Mỹ khởi xướng sau khi nước này lo ngại các biện pháp trừng phạt mới của châu Âu sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế.

Theo cơ chế này, thương nhân chỉ có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của các công ty châu Âu nếu mua dầu của Nga với giá 60 đô la Mỹ trở xuống. Chi tiết của cơ chế giá rất phức tạp. Các bên liên quan trong chuỗi cung ứng từ khách mua ban đầu cho đến các hãng tàu biển phải chứng minh họ không mua dầu của Nga vượt mức giá trần.

Cơ chế giá trần đang có tác dụng

Theo Daniel Yergin, cho đến nay, chính sách giá trần đang có tác dụng do giá dầu suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và do các các bên tham gia thị trường lo ngại phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm giới hạn giá cũng như cước phí vận chuyển dầu từ Nga tăng cao hơn.

Giá dầu Urals xuất khẩu của Nga hiện nay chỉ khoảng 45 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn khoảng 45% so với giá dầu chuẩn quốc tế Brent và thấp hơn 33% so với mức giá ước tính là 70 đô la Mỹ mà ngân sách Nga dựa vào trong năm 2023. Sự sụt giảm mạnh này được hoan nghênh bởi các nước như Ấn Độ, vốn đang cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu dầu Nga lớn nhất.

Yergin cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy yếu, khiến thị trường dầu ở trạng thái dư thừa và điều này sẽ tiếp tục duy trì tính hiệu quả của cơ chế giá trần. Điều đó có thể thay đổi nếu nhu cầu dầu toàn cầu tăng đột biến, chẳng hạn như sau khi Trung Quốc tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Nhưng một sự phục hồi như vậy sẽ chưa đến trong ngắn hạn.

Thách thức trước mắt hơn sẽ đến vào đầu tháng 2-2023, khi cơ chế giá trần sẽ được phương Tây mở rộng sang với các chế phẩm dầu mỏ gồm xăng và dầu diesel do các nhà máy lọc dầu của Nga sản xuất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã chỉ trích hành động áp giá trần là “ngu ngốc” và “ăn cướp”, đã khẳng định rõ rằng ông không thể chấp nhận để cho các nước phương Tây định giá dầu của Nga.

Điện Kremlin đã tập hợp một đội tàu “bóng tối” gồm hơn 100 tàu chở dầu cũ né lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu chở dầu của phương Tây nếu chúng vận chuyển dầu của Nga được mua ở mức cao hơn giá trần. Các công ty Trung Quốc và Ấn Độ có thể cung cấp một số loại bảo hiểm hàng hải còn thiếu, nhưng không thể bù đắp khoảng trống lớn.

Giảm sản lượng dầu có thể là tính toán sai lầm của Nga

Ông Daniel Yergin nhận định vũ khí uy lực nhất mà ông Putin đang có là biện pháp cắt giảm sản lượng dầu. Tổng thống Putin đã bắt đầu theo đuổi chiến lược “vũ khí hóa” năng lượng bằng cách cắt đứt gần như hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu trong năm nay, gây ra khó khăn nghiêm trọng cho nền kinh tế của lục địa này.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 10, ông Putin đã trích dẫn lời của nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman, người đã đoạt giải Nobel kinh tế: “Nếu bạn muốn tạo ra tình trạng thiếu hụt cà chua, thì bạn chỉ cần thông qua luật cấm các nhà bán lẻ không được bán cà chua với giá hơn 2 cent mỗi pound (0,45 kg). Dầu hoặc khí đốt cũng vậy”.

Gần đây, Tổng thống Putin đã nhắc lại lời đe dọa “có thể cắt giảm sản lượng dầu” và dự kiến ban hành sắc lệnh cấm bán dầu cho các nước tuân thủ cơ chế giá trần trong tuần này.

Yergin dự báo Nga có thể cắt giảm sản lượng từ một triệu thùng trở lên, với hy vọng làm thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường và đẩy giá lên cao. Điện Kremlin có thể tính toán rằng việc giá dầu tăng cao sẽ bù đắp nhiều hơn cho tổn thất do khối lượng xuất khẩu thấp hơn.

Mục đích sẽ là tạo ra sự thiếu hụt dầu, gây thêm tổn thất kinh tế cho châu Âu, kích hoạt cuộc chạy đua tranh giành nguồn cung dầu và rốt cuộc là liên minh hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga sẽ tan rã. Đó cũng là sách lược mà Nga tính toán khi bóp nghẹt nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng giữa thị trường khí đốt với thị trường dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ. Việc giá dầu tăng do Moscow cắt giảm mạnh sản lượng sẽ không chỉ tác động đến các nước châu Âu mà còn với những đối tác kinh tế quan trọng đối với Nga, cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 70% tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tháng 12.

Trong khi đó, các chính phủ phương Tây có thể làm giảm tác động từ động thái giảm sản lượng của Nga bằng cách bán dầu từ các kho dự trữ chiến lược với hơn 1 tỉ thùng mà Mỹ và các đồng minh khác đang nắm giữ. Hoặc thậm chí, họ có thể không cần phải bán dầu dự trữ nếu nhu cầu dầu toàn cầu vẫn yếu do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.

Yergin lưu ý động thái cắt giảm sản lượng dầu có thể sẽ là một tính toán sai lầm nữa của Điện Kremlin. Nếu cắt giảm sản lượng dầu, Moscow sẽ giả định rằng giá cao hơn sẽ bù đắp cho việc sản lượng xuất khẩu suy giảm. Nhưng giá dầu có thể chỉ tăng mạnh trong một thời gian ngắn trước khi giảm trở lại. Lúc đó, Nga sẽ thấy rằng giá tăng không bù đắp được sản lượng bị mất, dẫn đến doanh thu xuất khẩu dầu mỏ bị tổn thương hơn nữa.

Theo WSJ

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới