(KTSG Online) - Hôm 3-7, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 tới. Cùng ngày, Saudi Arabia cũng thông báo sẽ kéo dài cam kết tự nguyện giảm sản xuất dầu 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa.
- Saudi Arabia và Nga căng thẳng về chuyện giảm lượng dầu
- Nóng lòng vực dậy ngân sách, Saudi Arabia đơn phương cắt giảm sản xuất dầu
“Trong nỗ lực đảm bảo thị trường dầu mỏ duy trì sự cân bằng, Nga sẽ tự nguyện giảm nguồn cung dầu trong tháng 8 xuống 500.000 thùng mỗi ngày bằng cách cắt giảm xuất khẩu số lượng đó ra thị trường toàn cầu”, Phó Thủ tướng Alexander Novak nói.
Tuy nhiên, ông Novak không nói rõ liệu sản lượng dầu có cắt giảm tương ứng khi Nga giảm xuất khẩu hay không. Trước đó, Nga đã cam kết giảm sản xuất 500.000 thùng, xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 3 đến cuối năm.
Xuất khẩu dầu của Nga vẫn mạnh mẽ bất chấp các lệnh trừng phạt phương Tây. Nga là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Saudi Arabia. Cùng ngày, Saudi Arabia cũng đã thông báo là sẽ kéo dài cam kết tự nguyện giảm sản xuất 1 triệu thùng/ ngày sang tháng 8, thay vì chỉ trong tháng 7 như kế hoạch ban đầu.
“Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung này nhằm củng cố nỗ lực chủ động của các nước thuộc liên minh OPEC+ để hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”, Thông tấn xã Saudi Arabia (SPA) trích dẫn một nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia , cho hay.
Cả Riyadh và Moscow đang tìm cách vực dậy giá dầu. Ngay sau các thông báo của hai nước này, giá dầu Brent ở thị trường London tăng nhẹ, lên mức gần 76 đô la Mỹ/ thùng. Giá dầu Brent đã giảm đáng kể so với mức 113 đô la/thùng cách đây một năm do thị trường lo ngại tăng trưởng toàn cầu chậm lại và nguồn cung dồi dào từ các nước sản xuất dầu lớn. Tính đến cuối tháng 6, giá dầu Brent giảm trong bốn quí liên tiếp.
Tuần trước, các quỹ phòng hộ và các quỹ quản lý tiền tệ khác nắm giữ số lượng hợp đồng bán khống dầu Tây Texas của Mỹ lớn hơn bất kỳ tuần nào kể từ năm 2017, theo dữ liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lại Mỹ (CFTC).
Paul Horsnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng Standard Chartered, nhận định các quyết định cắt giảm xuất khẩu và sản xuất mới nhất của Nga và Saudi Arabia “sẽ giúp phá vỡ tình trạng bán khống mang tính đầu cơ”.
Theo ông, một lượng đáng kể hợp đồng bán khống dầu sẽ chịu áp lực thanh lý trước các động thái của hai nước này.
Tháng trước, Igor Sechin, CEO của tập đoàn năng lượng Rosneft (Nga), cho biết Nga đang thua thiệt trước các nước khác trong liên minh OPEC + khác vì nước này chỉ xuất khẩu một tỷ lệ nhỏ hơn trong sản lượng dầu. Một số nước OPEC + xuất khẩu tới 90% sản lượng của họ, trong khi Nga chỉ đưa một nửa sản lượng của mình ra thị trường toàn cầu.
Theo Bộ Tài chính Nga, giá dầu thô Urals của Nga trong tháng 6 đạt mức trung bình là 55,28 đô la/thùng, giảm so với mức 87,25 đô la vào một năm trước đó và thấp hơn mức giá trần 60 đô la/thùng mà phương Tây áp đặt với dầu của Nga.
Tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, giảm tốc trong quí 2. Giới phân tích cho rằng, nhu cầu nhiên liệu sẽ bị ảnh hưởng khi có nhiều lo ngại về rủi ro tăng trưởng của hai nước này chậm hơn nữa trong nửa cuối năm. Dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn còn ở mức cao khá xa so với mức mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Điều này khiến các quan chức Fed cảnh báo sẽ tăng lãi suất tiếp sau khi giữ nguyên trong tháng 6 và có thể đẩy Mỹ vào cơn suy thoái nhẹ. Lãi suất cao sẽ củng cố sức mạnh của đồng đô la nhưng lại khiến chi phí mua hàng hóa đắt hơn đối với những người nắm giữ các tiền tệ khác và cũng làm suy yếu nhu cầu dầu.
Trong cuộc thăm dò của Reuters hồi tháng 6, các nhà kinh tế và nhà phân tích hạ dự báo giá dầu Brent xuống mức trung bình 83,03 đô la/thùng trong năm 2023. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Saudi Arabia cần dầu thô Brent giao dịch ở mức khoảng 81 đô la Mỹ/thùng để cân bằng ngân sách. Saudi Arabia rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm nay sau khi báo cáo thặng dư vào năm 2022 lần đầu tiên sau gần một thập niên
Một số nhà phân tích kỳ vọng nguồn cung sẽ thắt chặt, giúp giá dầu tăng lên trong nửa cuối năm sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Mỹ đang dần mua dầu để bổ sung vào Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.
“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy xu hướng giá dầu tăng so với mức hiện tại vì thị trường dự kiến chuyển sang thiếu hụt trong nửa cuối năm 2023”, các nhà phân tích của Ngân hàng quốc gia Úc (NAB) viết trọng một báo cáo.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC chỉ giảm nhẹ trong tháng 6 do sự gia tăng sản xuất ở Iraq và Nigeria đã hạn chế tác động của việc cắt giảm sản lượng của các nước thành viên khác.
Theo Reuters, Bloomberg