Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngẫm nhìn lại chiến lược Zero Covid

PGS. Trương Quang Thông (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngày 1-10-2021 sẽ là một ký ức khó có thể quên đối với gần 10 triệu người dân TPHCM: thời điểm tạm chấm dứt một chuỗi thời gian gần bốn tháng với muôn vàn khó khăn, muôn kiểu đối phó với đợt 4 đại dịch Covid-19, trong đó, gần 100 ngày phải tuân thủ nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

Nguy hiểm vẫn còn đó, nhưng trước mắt, chúng ta vẫn cần phải làm việc, học tập, vẫn phải cố gắng sống một sống bình thường nhất có thể, dù trong một tâm thế phòng thủ, sẵn sàng cho một cuộc chiến mới. Với số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tục giảm trong hai tuần cuối tháng 9 vừa qua, chiến lược Zero Covid ít nhiều đã đạt được những mục tiêu chính yếu của nó, dù rằng, cuộc chiến chống Covid-19 năm 2021 đã diễn ra với những hoàn cảnh, nội dung, và kịch bản khác biệt khá nhiều so với cuộc chiến tương đối ngắn một năm trước đó, trong đợt đầu tiên vào đầu năm 2020.

Những gì tạo nên thành công trong những cuộc bùng phát Covid-19 đầu tiên có thể đã ủng hộ cho lý lẽ của chiến lược Zero Covid. Bằng mọi cách, bằng những phương tiện có thể, toàn xã hội cùng “thần tốc” truy soát, cách ly, phong tỏa, giãn cách những thực thể đã nhiễm, hoặc có khả năng bị nhiễm, từ các cá nhân, cho đến các cộng đồng dân cư, từ quy mô tổ dân phố, khu phố, phường xã, cho đến quy mô của cả một hay nhiều tỉnh thành.

Làm được như thế, chúng ta đã phải huy động tổng lực rất nhiều lực lượng, từ các lực lượng tuyến đầu như y bác sĩ, cảnh sát, quân đội, cho đến các lực lượng hỗ trợ tại chỗ, các tổ chức thiện nguyện. Cũng cần phải nhớ lại, để so sánh, thời điểm tái bộc phát Covid-19 vào đầu tháng 8-2020 tại Vũ Hán, người Trung Quốc phải nói đúng là rất thần tốc khi mà chỉ trong vòng chưa đầy năm ngày, đã huy động được số nhân lực khổng lồ để có thể xét nghiệm cho hơn 11 triệu người dân Vũ Hán.

Lệnh lock-down được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc, thậm chí với mức độ vô cùng khắc nghiệt, đến nỗi báo giới phương Tây đã ví von chiến lược Zero Covid của Trung Quốc thực ra là chiến lược “Zero Tolerance”, tạm dịch nghĩa là chiến dịch không dung thứ, không khoan nhượng.

Và mùa đông Vũ Hán, trong đợt bùng phát đầu năm 2020, theo một cách nào đó cũng vô tình giúp cho việc thực thi chiến lược đó của người Trung Quốc thuận lợi hơn, khi mà, dù muốn hay không, thì người ta thường ở trong nhà nhiều hơn là ra ngoài trong bối cảnh mùa đông lạnh lẽo.

Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông đại chúng cũng đã góp phần tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong việc kết nối một lực lượng khổng lồ đồng tâm nhất trí phục vụ, hiến thân cho đại cuộc. Những thất bại của Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến đấu chống Covid-19 năm 2020 lại càng ủng hộ cho chiến lược Zero Covid. Hình như người Trung Quốc cho đến nay đã khá hài lòng về những thành quả đó của họ, nhất là khi họ so sánh với phương Tây.

Thế nhưng, bối cảnh đợt bùng phát Covid-19 thứ tư ở Việt Nam đã có những diễn biến mới. Sau khi không khó để có thể vượt qua Covid-19 đợt ba vào đầu năm 2021, thì mùa hè đến, với những sự kiện lễ hội và tập trung đông người vào tháng 4 và tháng 5, đã vô tình tạo nên những điều kiện để Covid-19 tái bùng phát với quy mô thiệt hại về tài sản, nhân mạng hoàn toàn vượt rất xa những dự đoán.

Trong nhiều nguyên nhân khả dĩ tạo nên hậu quả đó, không thể không nói đến việc chậm trễ trong việc tiêm vaccine cho dân chúng. Thời gian bùng phát kéo dài, với những diễn biến vô cùng phức tạp khôn lường đã làm hao mòn nghiêm trọng sức lực của các lực lượng tuyến đầu, làm giảm sút khả năng tổng huy động các nguồn lực phục vụ từ vật chất đến con người. Thời gian kéo dài dường như đã không còn ủng hộ chiến lược Zero Covid nữa.

Về lý thuyết quản trị chiến lược, những khái niệm “tổng lực” và “thần tốc” chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn, hay thật ngắn hạn. Nguồn lực tài nguyên vốn hữu hạn, thời gian kéo dài sẽ bào mòn nó. Hơn nữa, nguồn lực tài nguyên lại càng kém hiệu năng trong khi được đặt dưới một cơ chế chỉ huy khá phân tán như trong thời gian qua.

Mỗi tỉnh thành đã tỏ rõ có một phương cách Zero Covid riêng. Các bộ ngành dường như cũng thế. Mọi việc liên quan đến vaccine nhất nhất phải do Bộ Y tế quyết định. Giấy đi đường là giấy đi đường của địa phương anh, chứ không phải cứ có là qua được địa phương tôi. Vô vàn các ứng dụng (app) liên quan đến kiểm soát Covid-19 ra đời và đi vào quên lãng không mấy chốc.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, những sự tận tụy của các tổ chức thiện nguyện, các đoàn thể; những sự dấn thân và hy sinh của rất nhiều cá nhân trong tiến trình đối phó với đại dịch Covid-19. Nhưng một số vấn đề mà chúng ta khá dễ dàng nhận thấy trong thời gian hơn ba tháng qua, đó là sự lúng túng, sự thiếu nhất quán, thậm chí đó là sự vụng về trong một số trường hợp quyết sách và thực thi, kể từ cách thức ra quyết định cách ly người nhiễm, phong tỏa các ổ dịch, nguyên tắc 3 tại chỗ, 1 cung đường, vấn đề phân phối hàng thiết yếu.

Những sự việc kiểu như phân tán quyền lực, lúng túng, thiếu nhất quán trong phối hợp tác chiến chắc chắn không phù hợp với mục tiêu “thần tốc” của một chiến lược tổng lực như Zero Covid. Hậu quả là những chuỗi cung ứng cho sản xuất kinh doanh bị đứt gãy, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực thực phẩm cho người dân cả trong lẫn ngoài khu vực phong tỏa bị đình trệ, gián đoạn.

Đời sống kinh tế và đời sống dân sự thường lệ đã bị xáo trộn dữ dội. Giá cả lương thực thực phẩm đã tăng cao càng làm các hộ gia đình thêm khó khăn. Riêng về kinh tế, khả năng hồi phục không còn là bài toán của một, hay hai năm.

Về vai trò trách nhiệm của công dân, hình như chúng ta vẫn hoài nghi về tinh thần tự giác, ý thức cộng đồng của họ.

Bên cạnh đó, các cuộc điều tra dịch tễ cho đến nay vẫn chưa thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục chứng minh cho lợi ích của việc tổng xét nghiệm Covid-19, hay cho việc cách ly hoàn toàn những người đã nhiễm bệnh. Cũng như vậy, đó là việc áp dụng chiến lược Zero Covid trong một khuôn khổ hẹp hơn, kiểu như một người nhiễm sẽ phong tỏa cả con hẻm; một công nhân nhiễm bệnh, đóng cửa cả nhà máy; một y tá nhiễm bệnh, cả một bệnh viện đóng cửa tạm ngưng không nhận bệnh…

Chúng ta miệt mài với Zero Covid, với những việc phong tỏa, giãn cách, cách ly, để rồi đến một ngày, chính chúng ta lại tự vấn, nghi hoặc rằng, hình như cái con virus đó vẫn đâu đó trong không khí (?). Đó cũng chính là lúc chúng ta nhen nhóm lên ý tưởng có lẽ đành phải sống chung với Covid-19, thay vì tìm mọi cách để tìm và tiêu diệt nó, trong khi chúng ta vẫn chưa biết chúng ở đâu (?).

Một quyết định cho ngày 1-10-2021 là một điều đáng mừng. Ngày 23-9-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề xuất sáu nguyên tắc chính để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xử lý những hậu quả của quá khứ, cũng như đối phó và sống một cuộc sống tương lai. Ngẫm nhìn lại những căn nguyên và diễn biến của chiến lược Zero Covid trong thời gian qua, người viết bài này có những hàm ý như sau:

– Zero Covid có thể đã hoàn thành sứ mạng của nó;

– Việc quay trở lại Zero Covid như tiến trình vừa qua, phải được xem là một quyết định cân não, có tầm ảnh hưởng đến vị thế tương lai không những của riêng TPHCM, mà là của cả một đất nước;

– Các chiến lược liên quan đến phòng chống Covid-19 khả dĩ thực thi trong thời gian sắp tới cần phải có một quyền lực tập trung mạnh mẽ;

– Việc tiêm vaccine là lộ trình cần phải được tiếp tục một cách rốt ráo, ngay cả với viễn cảnh sau mũi tiêm thứ hai. Việc xã hội hóa tiêm vaccine Covid đã là một đòi hỏi thực tế của đời sống. Trong sáu nguyên tắc mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất, với nguyên tắc số 5 (vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết), vai trò của người dân và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Chúng ta cũng cần phải tin và trông cậy vào sự ý thức, sự hợp tác, sự dấn thân của người dân hơn nữa. Bên cạnh đó, có thể ít nhiều đã mở ra khả năng xã hội hóa việc đàm phán, đấu thầu, mua bán và sử dụng vaccine.

———–

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

2 BÌNH LUẬN

  1. Thực tế hiện nay là giữa chỉ đạo của Trung ương và sự triển khai của các địa phương có sự vênh nhau đáng kể. Nếu chỉ đạo mà chỉ hô hào không thôi thì không bao giờ đủ, không tạo được niềm tin cho cấp dưới, cần phải tạo điều kiện tối đa về nguồn lực và phương tiện để địa phương tiếp thu và thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới. Địa phương cũng có nỗi khổ riêng của họ, để dịch lan tràn thì sẽ bị kỷ luật, dễ dãi quá thì cũng có nguy cơ bị xử lý trách nhiệm, đường nào cũng khó nên phải … cầm chừng mà thôi.

  2. Sau khi đọc bài viết này, em rất đồng tình với quan điểm của thầy và cụ thể có những suy nghĩ sau:
    1. Em khá tâm đắc với khái niệm “tổng lực” và “thần tốc” của thầy. Nó thể hiện tính cấp bách mà lãnh đạo phải đánh đổi để hạn chế tối đa rủi ro lây lan của Covid-19, mà cụ thể có thể kể đến sơ lược như các hoạt động kinh tế, hoạt động giáo dục, giao thông vận tải nội địa và quốc tế. Sự bùng phát của dịch cũng giống như việc con virus HIV xâm nhập vào cơ thể người trong 72 giờ đầu, nếu chúng ta nhanh chóng uống thuốc ngừa phơi nhiễm trong khoảng thời gian này thì xác suất ngăn chặn thành công càng cao. Nói như vậy, theo quan điểm của em, ngay từ đầu nên áp dụng chỉ thị 16+ toàn quốc để đánh đổi lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
    2. Việc Zero Covid đại khái đã thành công một phần nào đó, em cũng đồng tình với quan điểm này. Thực tế, việc định vị chính xác các ca nhiễm là điều không thể nào, nguồn lực là có hạn, về lý thuyết ta không thể nào truy vết và điều trị để đưa số ca nhiễm về 0. Thay vào đó, Zero Covid không phải là việc hướng đến một khu vực không còn ca bệnh mà là một trạng thái bình thường mới với số ca nhiễm và tỉ lệ lây nhiễm thấp nhất, càng về 0 càng tốt. Chính vì vậy, đây giống như là một bài học cho quá trình đối phó với dịch bệnh và các yếu tố bất khả kháng khác của Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới