(KTSG) - Khó khăn từ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng chậm phần nào được bù đắp bởi mặt bằng lãi suất không ngừng đi xuống trong năm 2023. Năm 2024, ngành ngân hàng có thể đối mặt với những thách thức quan trọng nào?
Khó khăn 2023
Có thể nói hoạt động các ngân hàng trong năm 2023 đối mặt với hai khó khăn quan trọng là nợ xấu tăng nhanh trở lại, trong khi tăng trưởng tín dụng trì trệ và có sự phân hóa khá lớn giữa các ngân hàng. Ngược lại, yếu tố lãi suất được dự báo là thách thức lớn nhưng lại bất ngờ hạ nhiệt nhanh chóng, dù vậy các ngân hàng vẫn chứng kiến chi phí vốn tăng cao so với những năm trước.
Theo số liệu cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7-2023 là 3,56%, gấp 2 lần so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%. Với dư nợ tín dụng toàn ngành tại thời điểm cuối tháng 7-2023 là 12.466.239 tỉ đồng, số nợ xấu tuyệt đối theo tỷ lệ 6,16% tương ứng gần 768.000 tỉ đồng.
Ở hoạt động cho vay, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng đến ngày 21-12-2023 là 11,09% so với đầu năm. Nếu so với mức tăng 9,15% vào cuối tháng 11 và 9,87% tính đến ngày 13-12, số liệu công bố cho thấy các ngân hàng đang tăng tốc tín dụng như thế nào, khi chỉ trong vòng tám ngày dư nợ đã kịp tăng thêm 1,2%, tương ứng hơn 145.000 tỉ đồng. Dù vậy, nếu so với mục tiêu 14,5%, tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 vẫn đạt thấp, điều quan trọng hơn là mức tăng chỉ dồn vào tháng cuối năm, do đó tác động lên kết quả kinh doanh năm 2023 là không đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm của toàn hệ thống trong những tháng đầu năm nay là kết quả của sự phân hóa tăng trưởng tín dụng quá lớn giữa các tổ chức, trong đó một số ngân hàng lớn có tốc độ tăng trưởng khá chậm, như bài báo “Phân hóa tăng trưởng tín dụng, bức tranh không quá xám?” trên KTSG số ra ngày 9-11-2023 đã chỉ ra(*).
Dù vậy, khó khăn từ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng chậm phần nào được bù đắp bởi mặt bằng lãi suất không ngừng đi xuống trong năm 2023 - kịch bản gần như không ai dám nghĩ tới tại thời điểm đầu năm, giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực lên hoạt động kinh doanh. Nhiều ngân hàng đã đưa khung lãi suất huy động vốn về mức thấp hơn cả giai đoạn dịch Covid-19, nhằm kéo chi phí vốn giảm nhanh để hạn chế bớt thiệt hại từ nợ xấu tăng vọt trong khi quy mô tăng trưởng chậm lại.
Thách thức 2024?
Theo đánh giá của giới phân tích, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức tăng trưởng chậm lại, trong đó các nguồn thu phi lãi từng đóng góp lớn vào lợi nhuận giai đoạn trước đây như bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) hay trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn chịu áp lực thu hẹp. Vì vậy, sau thời gian miễn giảm, một số ngân hàng đã bắt đầu tăng cường các khoản thu phí tài khoản, dịch vụ thanh toán trở lại nhằm cải thiện dòng thu.
Với nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng, các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, nhất là khi đặt trong bối cảnh định giá tài sản bảo đảm suy giảm khi thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng trầm lắng và đi xuống.
Hoạt động tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2023, trước những đốc thúc từ phía các cơ quan quản lý, nhưng trong môi trường kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu gia tăng ảnh hưởng đến chất lượng tài sản và các hệ số an toàn, các ngân hàng có thể vẫn lựa chọn chiến lược tăng trưởng thận trọng.
Một trong số hoạt động trọng tâm trong năm 2024 của các ngân hàng có lẽ là nỗ lực kiểm soát và tăng cường xử lý các khoản nợ xấu. Với nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng, các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, nhất là khi đặt trong bối cảnh định giá tài sản bảo đảm suy giảm khi thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng trầm lắng và đi xuống.
Việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn hết hiệu lực vào ngày 30-6-2024 sẽ càng khiến nợ xấu tiếp tục tăng, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu cũng gia tăng.
Theo số liệu cập nhật từ NHNN đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt khoảng 140.000 tỉ đồng, chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống. Con số này chắc chắn vẫn đang tăng. Hiện đã có một số kiến nghị xem xét kéo dài hiệu lực của Thông tư 02 thêm khoảng một năm để giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi, vượt qua khó khăn, đặc biệt cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không chỉ giãn, hoãn nợ mà có thể cho vay mới, vì thời gian qua các doanh nghiệp dù được tái cơ cấu nợ nhưng không thể tiếp cận các khoản vay mới vì ngân hàng e ngại rủi ro.
Nếu như các khoản vay ngân hàng còn có cơ hội được tái cơ cấu, giảm miễn lãi để tránh chuyển thành nợ xấu, thì rủi ro nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đè nặng lên các ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào TPDN giai đoạn trước.
Theo thống kê, trong năm 2024, tổng lượng TPDN đáo hạn khoảng hơn 297.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nhóm bất động sản.
Dù Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản và đàm phán kéo dài kỳ hạn tối đa không quá hai năm đối với các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước, nhưng có thể thấy khi thị trường bất động sản còn trầm lắng, hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn, quả bom nổ chậm TPDN vẫn là mối lo ngại lớn đối với nền kinh tế.
Trong khi phải đối mặt nguy cơ nợ xấu tăng, các tổ chức tín dụng còn phải lo lắng thêm về hành lang pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu, mà sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023, trong khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung thêm các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42) chưa được Quốc hội thông qua.
Dù chi phí vốn đang giảm dần, nhưng hệ số biên lãi ròng của các ngân hàng khó mở rộng, vì ngoài chịu tác động bởi nợ xấu tăng lên, còn phải đối mặt với lãi suất cho vay sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng. Đặc biệt với các quy định cho phép mua nợ lẫn nhau, nhiều ngân hàng đang sử dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi như là một công cụ cạnh tranh quyết liệt để lôi kéo khách hàng lẫn nhau.
(*) https://thesaigontimes.vn/phan-hoa-tang-truong-tin-dung-buc-tranh-khong-qua-xam/