Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Các ngân hàng hiện đang đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tiêu dùng sau khi được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận – Ảnh: Thủy Triều

(TBKTSG Online) – Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, các ngân hàng gần đây đã liên tục quảng bá về các sản phẩm cho vay tiêu dùng nhằm đẩy mạnh tín dụng cho mảng kinh doanh này sau một thời gian im ắng do cơ chế lãi suất.  

Kể từ giữa năm 2008, lãi suất cơ bản liên tục bị cắt giảm khiến trần lãi suất cho vay của các ngân hàng phải giảm xuống dần do quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản.

Do đó, hầu như các ngân hàng thương mại đều tạm dừng cho vay các khoản vay tiêu dùng hoặc siết chặt các điều kiện cho vay vì mức lãi suất lúc đó không thể bù đắp chi phí rủi ro cho các khoản vay này.  

Tuy nhiên, đến cuối tháng 1-2009, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay tiêu dùng, kể cả cho vay qua hình thức thẻ tín dụng và thấu chi trên tài khoản.

Vì thế, từ đầu tháng 2, các ngân hàng đã lần lượt tung ra các chương trình cho vay tiêu dùng và không ít ngân hàng đặt mục tiêu phát triển mạnh mảng cho vay này trong năm nay.  

Ông Hồ Anh Ngọc, giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân phía Nam của Ngân hàng Techcombank, cho biết mặc dù nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn và các khoản vay tiêu dùng được xem là có rủi ro cao nhưng ngân hàng vẫn không thay đổi chính sách phát triển đối với mảng dịch vụ này. Lý do là Techcombank định hướng phát triển thành ngân hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết trong tình hình kinh tế hiện nay, nhu cầu vay tiêu dùng cũng không tăng nhiều. “Từ đầu năm nay, số lượng người đến vay tiêu dùng tại Techcombank không thay đổi. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều người đã hoàn trả nợ và có những khoản vay mới”, ông nói.

Hiện hạn mức cho vay tín chấp tiêu dùng của Techcombank cao nhất là 200 triệu đồng và dư nợ của khối khách hàng cá nhân chiếm 30% tổng dư nợ của ngân hàng.  

Ông Đàm Thế Thái, giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng An Bình, cho biết từ đầu tháng này ngân hàng cũng bắt đầu đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tiêu dùng và có một số tín hiệu tốt khi thấy có khách hàng đến hỏi vay mua nhà. Ông nói An Bình trong năm nay sẽ cố gắng nâng dư nợ cho khối khách hàng cá nhân từ 40% hiện nay lên 50-60% tổng dư nợ của ngân hàng. 

Mới đây nhất là ngân hàng mới ra đời được 10 tháng, Liên Việt vừa thông báo ban hành sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp với tên gọi Best Consuming. Theo đó, khách hàng là cán bộ, nhân viên của các tổ chức, doanh nghiệp có thể vay vốn tại Liên Việt mà không cần tài sản bảo đảm và không cần bảo lãnh trả thay của công ty với hạn mức vay có thể lên đến 500 triệu đồng và thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng. Lãi suất cho vay sẽ được tổng giám đốc ngân hàng quy định trong từng thời kỳ và theo cơ chế lãi suất thỏa thuận với mức thấp nhất là 1%/tháng.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt nhận định: “Mặc dù tín chấp tiêu dùng chứa đựng nhiều rủi ro (không có tài sản đảm bảo) nhưng nếu quy định rõ ràng, cụ thể với quy trình quản lý chặt chẽ thì đây chính là thị trường đầy tiềm năng để các công ty tài chính và ngân hàng khai thác”.  

Bên cạnh sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, hiện Liên Việt cũng đang áp dụng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng có tài sản thế chấp như cho vay mua xe ô tô trả góp, cho vay mua nhà đất… cùng các sản phẩm tiêu dùng khác. Cuối tháng 1-2009, tín dụng tiêu dùng của Liên Việt chiếm 7% tổng dư nợ 3.000 tỉ đồng của ngân hàng.  

Các ngân hàng khác như ACB, Phương Đông, Đông Á, SeABank… hiện cũng muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mảng này của các ngân hàng khác nhau tùy theo đối tượng và theo sản phẩm vay, lãi suất dao động ở mức 12-18%/năm.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới