(KTSG Online) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiên cứu hạ lãi suất cho vay mua đối với nhà ở xã hội, nhà cho công nhân; 4 ngân hàng do nhà nước kiểm soát vốn cũng thống nhất dành 120.000 tỉ đồng, lãi suất thấp hơn 1,5-2% cho các dự án nhà ở xã hội.
- Thủ tướng: ‘Doanh nghiệp bất động sản không thể khó khăn cũng đòi có lãi’
- Hỗ trợ nhu cầu nhà ở xã hội hay ‘giải cứu’ thị trường bất động sản?
- Bộ Xây dựng kiến nghị gói tín dụng 110.000 tỉ đồng cho các dự án nhà ở xã hội
Theo Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước, để khơi thông nguồn vốn trên thị trường bất động sản sau gần một năm trầm lắng, giúp tăng cung và giảm mất cân đối trên thị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã họp với 4 ngân hàng: Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank thống nhất có một gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Gói tín dụng này có thể sẽ thêm nhiều ngân hàng tham gia, nếu các ngân hàng bị thiếu hụt về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn.
Cũng theo Thống đốc, các ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Ngân hàng Nhà nước cũng tìm cách để cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
TTXVN đưa tin, nhóm các ngân hàng quốc doanh đã thông báo lãi suất cho vay bất động sản sẽ được điều chỉnh giảm tối đa 1,5-3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường.
Một số ngân hàng thương mại MB, Techcombank, Sacombank, SeABank... cũng đồng loạt mở chương trình hỗ trợ lãi suất, được hưởng giảm 1-2%/năm với khách hàng có doanh thu dưới 100 tỉ đồng, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo…
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về thí điểm một số chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các chính sách đưa ra sẽ giải quyết các nút thắt về giao đất đầu tư xây dựng theo hướng giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất.
UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm bố trí, đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Chính quyền địa phương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.
Việc chọn chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được chấp thuận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, chương trình phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Nhà ở xã hội đâu chỉ cần tiền ? Tiền đầu tư nhà ở xã hội, nếu vài trăm ngàn tỷ, thì cũng không có gì đáng kể so với nguồn lực vốn thị trường. Vấn đề là cơ chế nào để đánh thức nguồn lực này. Không thiếu tiền, thiếu vốn như những gì dư luận cứ bàn cãi, mà chỉ thiếu cách nghĩ và cách làm, để sao cho dòng tiền xã hội vận hành hợp lý mà thôi.