Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong xu hướng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy mạnh nghiên cứu về tiền kỹ thuật số riêng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế tiền kỹ thuật số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung mới là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Trước đó, trong Quyết định 942 ban hành ngày 15-6 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, cũng có nhắc đến nội dung NHNN là cơ quan chủ trì nghiên cứu, thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2023.

Tuy nhiên, nội dung chi tiết hơn thì cả hai Quyết định đều không nhắc đến. Dù vậy, trong Quyết định 1813 đã sử dụng khái niệm “tiền kỹ thuật số quốc gia”, chứ  không còn là “tiền ảo”.

Theo báo cáo của PwC, xu hướng hiện nay là các Ngân hàng trung ương nghiên cứu tiền kỹ thuật số riêng (CBDC). Theo đó, người dùng mong đợi CBDC sẽ giảm chi phí giao dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới.

PwC cũng đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố góp phần quan trọng tạo ra môi trường thuận lợi trong việc hình thành và nuôi dưỡng nền kinh tế số và hỗ trợ sự phát triển của CBDC tại Việt Nam.

Theo báo cáo Người tiêu dùng toàn cầu gần đây do Statista thực hiện tại 74 quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 2 với số người đã hoặc đang sở hữu một dạng tiền điện tử nào đó. Thêm nữa, công nghệ blockchain cũng đang phát triển mạnh với nhiều mục đích khác nhau trong thời gian qua (như giải pháp định danh số, dịch vụ tín dụng thư L/C, trò chơi,...).

Ngoài ra, tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt lần này, NHNN cũng được giao chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến pháp lý, đồng thời phải hoàn thành xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới