(KTSG Online) - Chỉ vài ngày sau khi mở lại kênh đấu thầu tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 30.000 tỉ đồng qua kênh này. Theo nhiều chuyên gia, kênh tín phiếu hút lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại vào Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà chỉ gián tiếp tác động lên tỷ giá.
- Toàn bộ lượng tiền hơn 360.000 tỉ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống
- Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 50.000 tỉ đồng tín phiếu
TTXVN đưa tin, ngày 13-3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu thành công 14.999,7 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. Đã có 12 thành viên trúng thầu trên tổng số 13 thành viên tham gia theo phương thức đấu thầu lãi suất, xét thầu đơn giá. Tín phiếu sẽ được đáo hạn vào ngày 10-4-2024.
Trước đó, ngày 11-3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mở lại kênh đấu thầu tín phiếu, hút gần 15.000 tỉ đồng ra khỏi hệ thống sau bốn tháng tạm ngưng nghiệp vụ này.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Theo các chuyên gia, việc hút tiền qua tín phiếu sẽ khiến một lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại vào Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà gián tiếp tác động lên tỷ giá.
Việc phát hành tín phiếu sẽ giúp cân bằng tỷ giá bởi đang hút bớt tiền đồng Việt Nam ra khỏi lưu thông, như vậy tiền trên thị trường giảm bớt đi, làm giảm áp lực tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống đồng thời cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay, lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định nhưng áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.