Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng nói gì về việc doanh nghiệp thế chấp công viên ở Nha Trang?

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Liên quan đến việc Công ty TNHH Invest Park Nha Trang đem các công trình xây dựng thuộc dự án công viên Phù Đổng, Nha Trang làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại ngân hàng với số tiền hơn 40 tỉ đồng gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua, ABBank - ngân hàng nhận thế chấp đã phản hồi về những thông tin liên quan.

Theo đó, ngân hàng này có nhận thế chấp các công trình xây dựng hình thành trong tương lai của dự án. Đó là, nhà dịch vụ ăn nhanh và giải khát, sân khấu biểu diễn ngoài trời, khu phụ trợ biểu diễn sân khấu, khu dịch vụ hồ bơi, sông lười, nhà hàng Nga, phần ngầm (gồm tầng hầm nhà hàng Nga, trung tâm mua sắm)… và các quyền tài sản của chủ đầu tư phát sinh từ dự án, bao gồm các quyền kinh doanh, khai thác các công trình xây dựng nêu trên.

Công viên Phù Đổng ở TP Nha Trang. Ảnh minh họa: Lê Xuân

Theo ABBank, các công trình xây dựng này chủ yếu nằm trên phần đất thương mại, dịch vụ mà chủ đầu tư được UBND tỉnh Khánh Hòa cho thuê trả tiền hàng năm, khoảng 3.000 m2, tức không phải là phần mà chủ đầu tư phải bàn giao lại cho địa phương.

“Việc nhận thế chấp đã được ABBank công chứng (đối với các công trình xây dựng hình thành trong tương lai), đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với các quyền tài sản) theo đúng quy định của pháp luật. Khi nhận thế chấp các loại tài sản nêu trên, ABBank đã gửi văn bản thông báo cho UBND và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa nên việc nhận thế chấp là công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật”, theo văn bản của ngân hàng này.

Ngoài ra, với yêu cầu chủ đầu tư bàn giao diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất, khoảng 21.722,2 m2 và không được đền bù giá trị các công trình xây dựng trên diện tích đất nói trên của UBND tỉnh Khánh Hòa, ABBank đang yêu cầu đơn vị kinh doanh báo cáo, rà soát hồ sơ và sẽ có phương án đối với khoản vay của Khách hàng.

Liên quan đến vụ việc này trước đó, tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi UBND TP Nha Trang về việc tổ chức tiếp nhận phần diện tích 21.722 m2 đất dọc bờ biển trên đường Trần Phú, là dự án Công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư.

Đến ngày 2-8 mới đây, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa xác nhận đã có thông báo về việc Công ty TNHH Invest Park Nha Trang phải bàn giao cho UBND TP Nha Trang quản lý phần diện tích đất công cộng tại Công viên Phù Đổng và không được bồi hoàn các tài sản, công trình xây dựng trên đất.

Được biết, dự án này trước đây do Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hòa thuê và đầu tư. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang thực hiện dự án Công viên Phù Đổng.

Trong đó, giao khoảng 21.722,2 m2 không thu tiền sử dụng đất, để xây dựng công viên cây xanh, nhà vệ sinh công cộng. Phần còn lại hơn 2.600m2, tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp theo hình thức thuê, trả tiền thuê đất hàng năm để xây dựng các công trình trên mặt đất như nhà hàng, hồ bơi... Thời hạn thuê từ ngày 1-12-2012 đến ngày 1-3-2042.

Sau khi được giao dự án, chủ đầu tư đã cho xây dựng hạng mục nhà hàng, hồ bơi để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, phần xây dựng công viên (rộng gần 22.000m2) chưa được chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện như thiết kế được phê duyệt và chưa bàn giao cho UBND TP Nha Trang quản lý.

Vì vậy,  mới đây tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP Nha Trang về việc tổ chức tiếp nhận phần diện tích 21.722m2 đất tại dự án công viên Phù Đổng. Đồng thời, thành phố phải có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bàn giao mặt bằng khu đất trên và ấn định thời gian bàn giao. Trường hợp công ty không thực hiện đúng thời gian, UBND TP Nha Trang được phép làm các thủ tục cưỡng chế thu hồi đất.

Việc thu hồi này đã khiến phía Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Khánh Hòa (ABBank Khánh Hòa) lo lắng vì đã cho chủ đầu tư vay khoản tiền 41 tỉ đồng và nhận thế chấp một phần dự án công viên Phù Đồng.

Nếu công ty phải chuyển giao phần đất công cộng và không được bồi hoàn chi phí đã đầu tư, xây dựng sẽ làm giảm giá trị tài sản mà công ty đang thế chấp và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay cho ABBank. Do đó, ABBank mong muốn UBND tỉnh Khánh Hòa có sự quan tâm, hỗ trợ ngân hàng để đảm bảo công tác quản lý khoản vay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới