(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước tạm dừng quy định cấm tổ chức tín dụng nước ngoài được mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong vòng một năm sau khi bán. Quy định này nhằm gia tăng thanh khoản, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay.
- Nghị định 08 giúp ‘rã đông’ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- Xu thế khởi sắc của kênh trái phiếu doanh nghiệp liệu có được duy trì?
TTXVN đưa tin, ngày 23-4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10-11-2021 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 24-4 đến hết ngày 31-12-2023, ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.
Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành điều khoản này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM (trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết).
Theo TTXVN, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc ban hành Thông tư số 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, một trong những “tâm điểm” được giới tài chính quan tâm là nội dung tại khoản 11, điều 4, với quy định trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ngân hàng không được mua lại số trái phiếu đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán, ngân hàng cũng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp đã bán với một số điều kiện nhất định.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16, nhiều nhà đầu tư và cả ngân hàng cho rằng, quy định này đã “trói chân” các ngân hàng khi tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp, làm mất vai trò của ngân hàng đối với thị trường trái phiếu bởi ngân hàng là một tổ chức tài chính lớn. Các ngân hàng có ảnh hưởng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cả ở góc độ nhà đầu tư, cả góc độ tổ chức tài chính trung gian, lẫn vai trò là nhà phát hành trái phiếu.
Tài chính là huyết mạch quan trọng của nền kinh tế nên cần được quản lý linh động, nhạy bén với tầm nhìn xa trông rộng, dự đoán được những rủi ro, khó khăn từ thị trường để từ đó có một giải pháp kịp thời và khôn ngoan hạn chế được thiệt hại. Ngược lại nếu đợi tắc mới thông, nước tới chân mới nhảy thì đã muộn và đôi khi những quyết sách sẽ bị giảm tác dụng vì độ ngấm vào thực tế không thể xảy ra như ý muốn, không phải người ta xếp hàng đợi bạn cho để ùa vào nhận, tư duy như thế có phần chủ quan và luôn bị lúng túng, giống như cột lại quá lâu bây giờ muốn mở tung tất cả nhưng mở lúc này còn ý nghĩa gì chăng? Cho nên bất kỳ một quy định hay luật định trong biên chế tài chính cùng với các vệ tinh của nó luôn cần theo dõi từng biến động để uyển chuyển không tạo ‘cục máu đông’ hay đợi ngáp ngáp mới cấp oxy thì chính là kìm hãm và làm cho kinh tế thụt lùi vậy. Hi vọng nhà quản lý sẽ sớm nhận ra và thay đổi cách điều hành trong tương lai.