Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng số đẩy ngành tài chính ngân hàng Singapore vào cuộc đua mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng số đẩy ngành tài chính ngân hàng Singapore vào cuộc đua mới

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Sau hơn một năm hồi hộp và căng thẳng chờ đợi, bốn ứng viên sáng giá nhất đã được Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cấp giấy phép thành lập ngân hàng số. Các ngân hàng này sẽ cùng các ngân hàng truyền thống khai phá mảng thị trường ngân hàng số có giá trị đến 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Ngân hàng số đẩy ngành tài chính ngân hàng Singapore vào cuộc đua mới
Ba ngân hàng lớn nhất Singapore – UOB, DBS và OCBC – đang đối mặt với cạnh tranh ngày càng gia tăng của các hãng fintech. Ảnh: Reuters

Các ngân hàng số này đã buộc ngành tài chính và các ngân hàng truyền thống của Singapore và thế giới bước vào cuộc đua trong thế giới số.

Mở cửa cho fintech cạnh tranh trên thị trường ngân hàng

Đó là liên minh Grab – tập đoàn viễn thông SingTel, tập đoàn tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma, SEA – chủ sở hữu của trang thương mại điện tử Shopee và liên minh do Greenland Financial Holdings Group đứng đầu cùng với hai công ty khác của Trung Quốc. 

Hãng tin Bloomberg nói quyết định của MAS tạo điều kiện cho các hãng công nghệ tài chính (fintech) mở rộng cơ hội kinh doanh tại trung tâm tài chính Singapore. MAS đã cân nhắc và xem xét thực lực của 21 công ty đứng đơn xin thành lập ngân hàng số từ tháng 6-2019, bao gồm nhiều hãng đại công nghệ của Trung Quốc và tập đoàn Singapore.

MAS quy định: Muốn có giấy phép, đương đơn phải có vốn góp 15 triệu đô la Singapore, tức 11 triệu đô la Mỹ. Sau khi có giấy phép đầy đủ, phải có vốn góp 1,5 tỉ đô la Singpore. Hồi tháng 6-2020, MAS nói có 14 công ty được vào vòng trong.

Như vậy, sau Anh và Hồng Kông, nay đến lượt Singapore mở cửa thị trường ngân hàng cho các hãng công nghệ tham gia, nhằm đổi mới và kích thích cạnh tranh trên thị trường tài chính vốn do các ngân hàng truyền thống kiểm soát và thống trị.

Trước ngày công bố chính thức hôm 4-12, mọi người hy vọng sẽ có năm công ty được cấp phép. Tuy nhiên, chỉ có bốn giấy phép được trao. MAS không nói về giấy phép thứ năm, nhưng thông cáo của cơ quan này nói “sẽ cấp nhiều giấy phép ngân hàng số bán sỉ hơn trong tương lai”

"Các ngân hàng số ở Singapore sẽ là nhóm đầu tiên tận dụng được thị trường Đông Nam Á đang bùng nổ. Nhiều khả năng các nền kinh tế khác trong khu vực như Malaysia cũng sẽ theo gương Singapore,” nhà tư vấn Mark Robinson thuộc hãng Herbert Smith Freehills ở Singapore nhận định.

Giấy phép ngân hàng số “đầy đủ” sẽ giúp Grab – Singtel và Ant Group được phép nhận tiền gửi và cung cấp dịch vụ tài chính cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong khi đó, ngân hàng điện tử "bán sỉ" chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng một số tổ chức khác.

"Quy trình chọn ngân hàng kỹ thuật số của MAS rất kỹ càng. Chúng tôi tin các ngân hàng kỹ thuật số sẽ phát triển mạnh bên cạnh nhóm ngân hàng truyền thống, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ tài chính”, Giám đốc MAS Ravi Menon khẳng định.

MAS cũng nói rằng các đợt siết chặt luật lệ ở Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng số ở Singapore. Trước đó, sự sụp đổ của các sàn P2P lending (cho vay ngang hàng) ở Trung Quốc đã khiến dòng vốn, công nghệ và nhân lực và cả tội phạm từ nước này lan sang Indonesia, Philippines, Malaysia, Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Chuyển biến lớn trên thị trường ngân hàng khu vực

Bốn ngân hàng số mới được cấp phép sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2022. Thậm chí ngay cả khi không có giấy phép ngân hàng, một công ty vẫn có thể hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như thanh toán điện tử bằng các giấy phép khác.

Nhưng có một giấy phép ngân hàng ở Singapore - cùng với thanh danh hay hào quang của nền tài chính ngân hàng của đảo quốc này - sẽ mở ra nhiều cơ hội khác ở đảo quốc, và có thể mở đường cho các hoạt động kinh doanh ở các nước trong khu vực. Ngân hàng trung ương của Malaysia và Philippines cũng dự định cấp giấy phép ngân hàng số ở hai nước ngày.

Mỗi công ty chiến thắng trong cuộc đua giành giấy phép của MAS đều có cánh cửa rộng mở hơn trong việc thâm nhập thị trường khách hàng trẻ, các thành tố của nền kinh tế số, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – mảng khách hàng mà các ngân hàng truyền thống đã không chú trọng trong thời gian dài.

Với Ant Group, đây là thông tin tích cực đầu tiên sau vụ hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Thượng Hải và Hong Kong. Đây cũng là cơ hội lớn của Grab khi ứng dụng gọi xe này đang mở rộng sang mảng thị trường tài chính vi mô và bảo hiểm vi mô. Singtel – đối tác chiếm 40% trong liên doanh ngân hàng số với Grab – cũng có dịch vụ thanh toán di động riêng ở Singapore.

SEA là công ty được định giá cao nhất tại Đông Nam Á khoảng 90 tỉ đô la và đang sở hữu nền tảng thương mại điện tử Shopee. Greenland Financial là công ty đầu tư của Greenland, tập đoàn bất động sản nhà nước ở Trung Quốc.
“Nhiều nước ASEAN đang theo dõi cuộc đua ngân hàng số ở Singapore với quan tâm lớn.

Bất cứ công ty nào giành được giấy phép ở Singapore sẽ có thuận lợi hơn khi mở rộng sang các thị trường ASEAN khác”, Zenon Kapron, giám đốc hãng nghiên cứu dịch vụ tài chính Kapronasia có trụ sở ở Singapore, nhận định với Nikkei Asia.

Giới quan sát nhận định các ngân hàng kỹ thuật số sẽ cạnh tranh quyết liệt với các nhà băng truyền thống như OCBC, UOB và  DBS Holdings Group – ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á. Hơn 90% người trưởng thành ở Singapore sở hữu tài khoản ngân hàng.

Cạnh tranh mới trong thế giới số

Ngành ngân hàng và tài chính trên thế giới đang có những chuyển biến thần tốc chưa từng thấy. Số ngân hàng mới – neobank - đang cạnh tranh trong thế giới số tăng trưởng với tỷ lệ 27% mỗi năm và vượt con số 200 kể từ năm 2010, với 20% trong số này nằm ở châu Á - Thái Bình Dương - theo bản báo cáo của Singapore Fintech Association vào tháng 11 vừa rồi.

Sự xuất hiện của bốn ngân hàng số mới – trong tương lai sẽ nhiều hơn theo tín hiện mà MAS phát ra – buộc các ngân hàng truyền thống phải chuyển mình thay đổi, nhất là “ba lão đại” ngân hàng.

Với các hãng fintech,công nghệ và vốn hậu thuận đối với họ sẽ không thể là vấn đề lớn bởi đằng sau là ngân hàng đầu tư SoftBank của tỷ phủ người Nhật Bản Son Masayoshi Son, là Alibaba và tỷ phú Jack Ma, cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm khác.

Nhưng cuộc cạnh tranh về công nghệ mới và thu hút nhân tài mới là vấn đề đáng lo. Ngân hàng số của Grab - Singtel ban đầu chỉ có 200 người. Reuben Lai, giám đốc Grab Financial, nói dựa trên nền tảng khách hàng và hệ sinh thái Grab và Singtel đã xây dựng được, ngân hàng mới sẽ sớm có lợi nhuận.

Riêng ba ngân hàng còn lại chưa công bố quy mô nhân viên của họ, nhưng nền tảng công nghệ và dữ liệu khách hàng của họ hoàn toàn không tệ chút nào so với Grab.

Trong khi đó, ba ngân hàng lớn của Singapore đã đầu tư nhiều tỉ đô la Singapore trong thời gian vừa qua để nâng cấp công nghệ, đáp ứng tỷ lệ tăng trưởng mới.

Chỉ riêng DBS đã đầu tư 4,4 tỉ đô la Singapore trong bốn năm qua để nâng cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa AI vào công nghệ dự báo cho cả khách hàng cá nhân.

DBS đã hợp tác với Amazon Web Services để đào tạo các kỹ năng làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy cho nhân viên và quản lý cấp cao. Ngân hàng hy vọng số nhân sự được đào tạo sẽ lên đến 3.000 người vào cuối năm.

Riêng UOB cũng đầu tư 2 tỉ đô la Singapore để bảo đảm chất lượng và tình trạng tuyệt hảo của hạ tầng số của ngân hàng. UOB cũng hợp tác với hãng fintech Personetics của Israel để cung cấp các giải pháp tài chính dựa trên phân tích của AI. Tháng 7 vừa rồi, ngân hàng đã sử dụng robot để tư vấn cho khách hàng cấu trúc danh mục đầu tư và mục tiêu tài chính của họ.

Trong khi đó, đối thủ OCBC vào tháng 6 đã thông báo kế hoạch tuyển dụng thêm 3.000 nhân viên. Ngoài việc tuyển dụng thêm chuyên gia công nghệ mới, OCBC cũng kết hợp với Đại học Bách khoa Ngee Ann tổ chức các khóa học phân tích dữ liệu cho nhân viên của ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới