(KTSG Online) – Hôm 21-7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, một mức tăng lớn hơn dự kiến. Đồng thời, ECB tiết lộ kế hoạch mới để mua nợ của các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất của châu Âu.
Hành động mạnh mẽ này của ECB nhằm vực dậy đồng euro trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu xoay sở ứng phó với khó khăn kép: lạm phát tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm lại .
- Các ngân hàng trung ương hối hả tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát
- Lạm phát tăng cao, vì sao ECB vẫn chần chừ nâng lãi suất?
Đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất kể từ năm 2011. Động thái bất ngờ của ECB đưa lãi suất cơ bản của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) về mức zero, chấm dứt cuộc thử nghiệm 8 năm gây tranh cãi của khối này với lãi suất âm.
Nó cũng cho thấy rằng các lãnh đạo của ECB ngày càng lo ngại về mối đe dọa lạm phát cao liên tục ở khu vực eurozone. Họ đã bắn tín hiệu trong nhiều tuần rằng ECB có khả năng sẽ tăng lãi suất chỉ 0,25 điểm phần trăm trong tháng này.
Trong thông báo mới nhất, ECB cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất theo hướng bình thường hơn và quy mô hành động cần thiết sẽ được quyết định thông qua từng cuộc họp.
Cơ quan quản lý chính sách tiền tệ khu vực eurozone cũng cho biết họ đã thiết kế một chương trình mua trái phiếu mới để hỗ trợ các nước thành viên eurozone có mức nợ lớn nhất, có tên gọi là Công cụ Bảo vệ Truyền dẫn (Transmission Protection Instrument). Công cụ này nhằm đảm bảo lãi suất của ECB được truyền dẫn thông suốt trên tất cả các nước thành viên eurozone. Công cụ mới “có thể được kích hoạt để chống lại các động lực gây rối loạn thị trường không chính đáng, đe dọa nghiêm trọng đến việc truyền tải chính sách tiền tệ trên toàn khu vực eurozone”, ECB cho biết.
Quyết định trên của ECB ngay lập tức khiến các thị trường tài chính châu Âu dao động mạnh. Chỉ số Stoxx Europe 600 (chỉ số Stoxx Europe 600 (đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở 17 nước châu Âu) chốt phiên giao dịch hôm qua với mức tăng 0,44%.
Mức tăng lãi suất lớn bất ngờ của ECB sẽ giúp hỗ trợ giá trị của đồng euro, vốn gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng đô la Mỹ khi ECB cho biết sẽ không tăng lãi suất mạnh mẽ như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đồng euro yếu làm tăng chi phí nhập khẩu của châu Âu và khiến ECB càng khó kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, ECB vẫn đang hành động thận trọng so với các tiêu chuẩn gần đây của các ngân hàng trung ương có nền kinh tế tiên tiến khác, vốn đã nâng lãi suất chính sách trong nhiều tháng, đôi khi tăng đến 0,75 hoặc 1 điểm phần trăm. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào cuối tháng này lên biên độ ừ 2,25-2,5%. Trong tháng 6, lạm phát ở eurozone và Mỹ lần lượt tăng lên các mức cao mới 8,6% và 9,1%.
Sự thận trọng tương đối của ECB phản ánh mối lo ngại trước một loạt các cú sốc ảnh hưởng đến nền kinh tế eurozone. Từ giá năng lượng đắt đỏ, nguồn cung cấp khí đốt suy giảm cho đến chi phí vay tăng cao ở Ý, nền kinh tế lớn thứ ba của eurozone đang đối mặt với cơn hỗn loạn chính trị.
Viện Thủ tướng Ý Mario Draghi đã từ chức hôm qua, sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh của ông, đã đưa chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Ý và chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm, một thước đo mức căng thẳng tài chính ở khu vực eurozone, nới rộng lên mức gần 2,3 điểm phần trăm, so với khoảng 1,3 điểm phần trăm vào đầu năm.
Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất lên khoảng 1 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay và thêm 1,5 điểm phần trăm vào năm sau. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng các mức tăng đó là quá ít để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của ECB.
Trong khi Fed tập trung vào các nỗ lực chống lạm phát, các quan chức ECB lo lắng về việc lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của eurozone, với các thành viên trải dài từ Đức, Latvia đến Hy Lạp.
Nhu cầu cân bằng các mục tiêu khác nhau khiến ECB cần phản ứng đối với lạm phát theo cách thận trọng hơn Fed. Điều đó cũng có nghĩa là ECB có thể tăng lãi suất cho một số chủ thể vay nhưng sẽ giảm hoặc giữ nguyên lãi suất đối với các chủ thể khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình của châu Âu đang chịu sức ép do chi phí năng lượng và các hàng hóa khác tăng cao. Niềm tin của người tiêu dùng khu vực eurozone đã chạm mức thấp kỷ lục trong tháng 7, theo dữ liệu được công bố hôm 20-7.
Nga đã nối lại cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream sau khi kết thúc thời hạn bảo trì 10, đến ngày 21-7, giúp lắng dịu nỗi lo ở khu vực về nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông sắp tới, có thể khiến kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, đường ống Nord Stream 1 chỉ vận hành trở lại với 40% công suất, có nghĩa là châu Âu vẫn phải cần mua thêm khí đốt từ những nơi khác để dự trữ.
Theo Wall Street Journal