(KTSG Online) - Tổng thu ngân sách nhà nước hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 323.800 tỉ đồng, tăng 10,8% so cùng giai đoạn năm 2021 trong bối cảnh thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh.
Về thu, Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 323.800 tỉ đồng, bằng 22,9% dự toán và tăng 10,8% so cùng giai đoạn năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 23% dự toán - tăng 7,6%, thu từ dầu thô đạt 28,6% dự toán - tăng 57,2%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 22,6% dự toán - tăng 29,4%.
Có 8/12 khoản thu đạt trên 17% dự toán, gồm thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 20,4%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8%.
Có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán. Trong đó, có 44 địa phương thu đạt trên 20% dự toán.
Về số thu của ngành thuế, Tổng cục Thuế cho biết tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 276.664 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm, bằng 23% dự toán và tăng 8% so với cùng kỳ, gồm 8.060 tỉ đồng thu từ dầu thô và 268.605 tỉ đồng thu nội địa.
Riêng tháng 2, ngành thuế thu ngân sách đạt 118.000 tỉ đồng, bằng 10% dự toán và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thu từ dầu thô đạt 4.900 tỉ đồng với cơ sở sản lượng 700.000 tấn - tăng 102% về số thu và 16% về sản lượng, còn giá dầu thô bình quân giao dịch ở mức 90,3 đô la Mỹ một thùng - tăng 60% so với cùng kỳ.
Số thu nội địa đạt 113.000 tỉ đồng, bằng 10% dự toán và tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 88.900 tỉ đồng, bằng 10% dự toán và tăng 26%.
Lý giải kết quả này, Tổng cục Thuế cho biết giá dầu thô tăng vượt dự báo, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau đợt giãn cách kéo dài trong quí 3 và 4-2021, cùng một số nguồn thu phát sinh cuối tháng 1 đã chuyển nộp trong tháng 2 là ba yếu tố chính giúp thu ngân sách tháng 2 tăng khá.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát cũng giúp các lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách tiếp tục phục hồi, gồm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; sản xuất trang phục tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại tăng 21,9%.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 1,6% với các sản phẩm trọng điểm, gồm thủy sản tăng 43%, cà phê tăng 41%, dệt may tăng 24%.
Về chi, tổng chi ngân sách đạt 228.200 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm, bằng 12,8% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng giao, chi trả nợ lãi đạt 19,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 14,7% dự toán.
Ngoài ra, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2022 bổ sung cho các địa phương 767 tỉ đồng kinh phí phòng chống dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện xuất cấp 21.480 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách 2 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho phòng, chống dịch Covid-19, chi trả kịp thời các khoản an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vui đón Tết cổ truyền.
Về phát hành trái phiếu, cơ quan này đã thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ với giá trị 32.460 tỉ đồng để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Về đầu tư công, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng giao và cao hơn 3,52% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 9,22%, giải ngân vốn nước ngoài đạt 0,2%.
Hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Trong đó, có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao, gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%).
Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2 tháng đầu năm 2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải dành thời gian thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31-1-2022 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng giao trong tháng 1-2022.
Ngoài ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2 và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.