Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành cà phê chưa tận dụng tốt những lợi thế từ CPTPP

Công Phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có 11 thành viên nhưng tính đến nay ngành hàng cà phê vẫn chưa tận dụng được lợi thế từ hiệp định này, ngoại trừ thị trường Nhật Bản.

Người dân đang thu hoạch cà phê. Ảnh: TL.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang thị trường CPTPP trong tháng 6-2024 đạt hơn 49 triệu đô la Mỹ, dù tăng 4,42% so với tháng trước nhưng vẫn giảm gần 14,5% so với tháng 6-2023.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt 373 triệu đô la, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng gần 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam ra thế giới và chiếm 1,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường CPTPP.

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong số các thị trường thành viên CPTPP, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản là lớn nhất, đạt 26,35 triệu đô la trong tháng 6-2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 239 triệu đô la, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP. Điều này cho thấy trong khối CPTPP, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường Nhật Bản.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, xuất khẩu mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa có thương hiệu, vì vậy, giá trị thu về cho các doanh nghiệp và người lao động còn khá hạn chế. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật là sự thiếu gắn kết giữa các chủ thể tham gia vào quá trình xuất khẩu và tận dụng các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP.

Do đó, để tận dụng các hiệp định thương mại hiệu quả, các doanh nghiệp ngành cà phê cần lập nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan liên quan; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…) chú ý nhiều hơn đến sản phẩm chế biến, xây dựng thương hiệu; tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững.

Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 8 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,06 triệu tấn cà phê, trị giá thu về là hơn 4 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 12% về lượng, nhưng tăng hơn 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung ở mức thấp.

Theo ước tính, tháng 8-2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 5.293 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 7% so với tháng 7-2024 và tăng 73,4% so với tháng 8-2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.805 đô la/tấn, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới