Thứ năm, 8/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành chăn nuôi và thị trường thịt 2010: khó; 2011: khó lường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành chăn nuôi và thị trường thịt 2010: khó; 2011: khó lường

Trần Ngọc Yến

Thị trường thịt thực phẩm năm 2011 được dự báo sẽ có nhiều biến động khó lường. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) - Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê tại thời điểm 1-10-2010, đàn gia cầm phát triển nhanh, tuy nhiên tổng đàn heo và đàn bò lại giảm so với cùng kỳ (xem bảng).

Năm 2010: tăng trưởng trong khó khăn

Trong 11 tháng năm 2010, kim ngạch nhập khẩu thịt các loại của Việt Nam đạt 89,8 triệu đô la Mỹ, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2009 và tới 50,4% so với cùng kỳ 2008. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã thu về 35 triệu đô la Mỹ từ việc xuất khẩu thịt các loại, giảm lần lượt 15,1% và 35,7% so với cùng kỳ 2009 và 2008.

Việc ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch chất lượng trước khi cho thông quan thịt nhập khẩu rõ ràng đã tác động rất mạnh đến kim ngạch thịt nhập khẩu trong năm 2010.

Năm 2010, dịch tai xanh trên heo và giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục là nhân tố tác động mạnh đến nguồn cung thịt cũng như giá thịt. Dịch tai xanh năm 2010 tuy không mạnh bằng năm 2008 nhưng phạm vi ảnh hưởng thì lại có phần rộng hơn, lan ra khắp toàn quốc.

Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới từ đầu tháng 8 bắt đầu có dấu hiệu tăng nóng do các nước sản xuất ngũ cốc lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự biến đối khí hậu toàn cầu.

Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cộng với vấn đề leo thang của tỷ giá đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước vào vòng xoáy tăng giá mới. Người chăn nuôi chưa hết lao đao với dịch bệnh lại hứng chịu thêm việc tăng giá thức ăn chăn nuôi liên tục, khiến cho việc tái đàn càng trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt cho các tháng cuối năm.

Mặt bằng giá mua heo hơi và giá bán lẻ năm 2010 tại Hà Nội và TPHCM có những diễn biến trái chiều. Trong khi giá mua tại Hà Nội tăng 4,3% (tương đương tăng 1.400 đồng/ki lô gam) thì giá tại TPHCM lại giảm 4,8% (tương đương giảm 1.800 đồng/ki lô gam).

Mặc dù vậy, giá thịt mông sấn (heo đùi) bán lẻ tại hai thị trường này lại hoàn toàn trái ngược với diễn biến giá heo hơi. Theo đó, giá thịt mông sấn bán lẻ tại Hà Nội giảm 1% còn TPHCM lại tăng 1,8%.

Có thể thấy rằng, dù Hà Nội hiện đang là thị trường có giá bán lẻ thịt vào hàng cao nhất cả nước nhưng mặt bằng giá chung cả năm 2010 của thị trường này lại thấp nhất cả nước (chỉ khoảng 56.700 đồng/ki lô gam).

Năm 2010 thịt bò tiếp tục tăng giá so với năm 2009 với mức tăng tại Hà Nội và TPHCM lần lượt là 17,8% và 13,7%. Đây cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng khá mạnh về kim ngạch nhập khẩu thịt trâu, bò các loại (tăng 14,5%) trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu các loại thịt khác đều giảm mạnh.

Với tất cả các yếu tố trên, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2010 ước đạt 35.367,5 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2009 theo ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành chăn nuôi trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong nhóm ngành nông nghiệp (gồm trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ) và lớn hơn cả tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành nông lâm thủy sản (đạt 4,7%).

Mặc dù vậy, so với kết quả tăng trưởng của hai năm trước và kế hoạch đặt ra cho năm 2010 có thể thấy tăng trưởng của ngành chăn nuôi đã có bước thụt lùi khá lớn (tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2008 và 2009 lần lượt là 7,3% và 7,1% và kế hoạch năm 2010 là 7,9%).

Năm 2011: biến động khó lường

Rõ ràng những khó khăn từ đầu vào đến đầu ra của sản xuất đã khiến ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2010 không đạt được kết quả như mong đợi.

Bước sang năm 2011, năm đầu tiên của kế hoạch năm năm 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu: tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 7,5-8%; tổng sản lượng thịt hơi các loại 4,28 triệu tấn; sản xuất lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 12 triệu tấn. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đề ra ba nhóm giải pháp:

(1) Tập trung đảm bảo về giống, kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn và các điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung hình thức trang trại, nuôi công nghiệp, gắn với cơ sở chế biến tập trung và xử lý chất thải; tăng nhanh các cây thức ăn chăn nuôi, nhất là bắp, đậu tương;

(2) Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các phương án chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở gia súc.

(3) Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò và nạc hóa đàn heo, chương trình giống vật nuôi, chương trình kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi, chương trình hỗ trợ có mục tiêu phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia cầm tập trung, phát triển thức ăn chăn nuôi, tập trung trồng cỏ và chế biến nâng cao giá trị dinh dưỡng nguồn phụ phẩm của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo AgroMonitor, năm 2011 được dự báo sẽ là một năm hứa hẹn có nhiều biến động đối với thị trường thịt thực phẩm do các yếu tố sau:

- Giá nguyên liệu đầu vào và giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục tăng dựa trên những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng nguồn cung và sự tăng lên về nhu cầu tiêu thụ;

- Vấn đề dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm rất khó dự đoán;

- Chi phí đầu vào sản xuất (giá điện, nước, xăng dầu, nhân công, tỷ giá, lãi suất) có thể tăng mạnh;

- Nhu cầu tiêu dùng tăng lên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế (kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2011 là 7-7,5%, với GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 đô la Mỹ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới