Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành chip Trung Quốc chuẩn bị cho ‘thách thức Trump 2.0’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành chip Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực tự chủ trước viễn cảnh Mỹ sẽ gia tăng hạn chế xuất khẩu công nghệ khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống. Trung Quốc đặt mục tiêu làm chủ công nghệ và đáp ứng 27% nhu cầu chip nội địa vào năm 2027, tăng từ 23% của năm 2023.

Một gian triển lãm IC China 2024 diễn ra từ ngày 18 đến 20-11 tại Bắc Kinh. Ngành chip Trung Quốc đặt mục tiêu làm chủ công nghệ và đáp ứng 27% nhu cầu chip nội địa trong năm 2027. Ảnh: Global Times

Ngành chip Trung Quốc mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu

"Năng lực tự cung cấp sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Các hãng chip của Trung Quốc rõ ràng đã trở nên cạnh tranh hơn", Wang Shijiang, quan chức cấp cao Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, phát biểu tại Triển lãm Bán dẫn Quốc tế Trung Quốc 2024 (IC China 2024) đang diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 18 đến 20-11.

Chen Nanxiang, Chủ tịch hãng sản xuất bộ nhớ hàng đầu Yangtze Memory Technologies (YMTC), đã cảnh báo về những thay đổi và rủi ro trong môi trường toàn cầu trước các dự báo về việc Mỹ sẽ tiếp tục siết chặt hơn chính sách hạn chế xuất khẩu sản phẩm và công nghệ Mỹ sang Trung Quốc.

YMTC là một trong số khoảng 500 công ty tham gia triển lãm tại IC China 2024. Gã khổng lồ phần cứng viễn thông Huawei Technologies, khách hàng hàng đầu của ngành chip Trung Quốc cũng có mặt…

Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng sản xuất chip trong bối cảnh đối đầu công nghệ Mỹ - Trung đang gia tăng, ban đầu là các nỗ lực tập trung vào các sản phẩm không đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Theo hãng nghiên cứu TechInsights của Canada, tỷ lệ tự cung cấp nguồn chip của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 14% vào năm 2014 lên 23% vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ đạt 27% vào năm 2027.

CICIIF (Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc) hay Big Fund do chính phủ thành lập đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này. Giai đoạn đầu của CICIIF được triển khai vào năm 2014 với số vốn đăng ký là 138,7 tỉ nhân dân tệ (19,2 tỉ đô la theo tỷ giá hiện tại). Giai đoạn thứ hai tiếp theo vào năm 2019 với 204 tỉ nhân dân tệ. Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ tháng 5-2024, được đầu tư 344 tỉ nhân dân tệ.

Trong những năm qua, CICIIF đã bao phủ toàn bộ chuỗi cung ứng, gồm các lĩnh vực như thiết bị và vật liệu vốn là điểm yếu của Trung Quốc. Quỹ đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các hãng thiết bị sản xuất chip như Naura Technology Group.

CICIIF cũng giúp thúc đẩy đầu tư từ các chính quyền các tỉnh thành và cả khu vực tư nhân, cung cấp vốn cho các hãng chip như YMTC và SMIC, vốn được tin là đang cung cấp loại chip tiên tiến 7nm cho Huawei.

Ngành công nghiệp chip bùng nổ ở Trung Quốc. Các hãng chip đã niêm yết đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng 20% trong chín tháng đầu năm, theo hãng nghiên cứu Wind của Trung Quốc.

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh đầu tháng 11, đồng CEO Zhao Haijun của SMIC cho rằng, thành công của hãng là nhờ sự quan tâm ngày càng tăng đối với chip sản xuất trong nước. Nhu cầu về chip sản xuất trong nước giúp doanh thu của SMIC lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 tỉ đô la trong quí 3 vừa rồi.

Ông Zhao tự tin dự đoán, SMIC đang trên đà đạt được doanh thu kỷ lục 8 tỉ đô la trong năm nay, tức tăng 27%, vượt xa mức tăng trưởng chung của ngành. Zhao kỳ vọng nhu cầu thiết bị điện tử tiêu dùng sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2025, tạo đà mới cho SMIC. Tuy vậy, SMIC sẽ không mở rộng năng lực sản xuất cho đến hết năm 2025.

Nhu cầu (cột màu vàng) và khả năng sản xuất nội địa (cột màu đỏ) của ngành chip Trung Quốc, tính theo đơn vị tỉ đô la. Nguồn: TechInsights

Đối đầu công nghệ chip Mỹ - Trung sẽ gia tăng

Hôm 8-11, hãng chip TSMC của Đài Loan tuyên bố sẽ dừng cung cấp các con chip tiên tiến 7nm cho các hãng xử lý đồ họa và AI của Trung Quốc. Tuyên bố của TSMC khiến nhiều người lo lắng nhưng cũng giúp giá cổ phiếu các hãng chip Trung Quốc tăng mạnh.

Nhiều hãng đang tích trữ các con chip AI tiên tiến từ Hàn Quốc và nhiều nước phương Tây khác. Theo AskCI Consulting, lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 15% trong mười tháng đầu năm và đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng đầu tiên của ngành sau giai đoạn bùng nổ nhu cầu chip và sau đó thoái trào cuối năm 2021.

Một số nhà quan sát vẫn tin tưởng vào những tiến bộ của các thiết bị sản xuất chip được chế tạo tại Trung Quốc.

"Trung Quốc hiện có thể làm chủ quy trình sản xuất chip 7nm và tôi tự tin về tương lai", Xiao Guowei, chủ tịch của Guangdong Xinyueneng Semiconductor, còn được gọi là AscenPower nói.

CEO Yuan Yipei của hãng cho thuê thiết bị chip hàng đầu Sino IC Leasing, cho biết thêm chuỗi cung ứng chip của Trung Quốc đã phát triển kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump

Các chính sách hạn chế của Mỹ đã ngăn cản Trung Quốc nhập khẩu thiết bị quang khắc cực tím, cần thiết để sản xuất chip có kích thước nhỏ hơn, có năng lực xử lý mạnh hơn. Tuy nhiên, các hãng chip đại lục đã nỗ lực tăng cường chức năng của chip theo những cách khác, chẳng hạn như bằng cách xếp lớp. Một nhà phân tích ngành cho biết, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ "sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các hãng chip đại lục trong thời gian lâu dài sắp tới”.

Thị trường ngành chip của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng thêm 50% vào năm 2027, đạt gần 200 tỉ dô la. Khi khai thác thị trường đầy tiềm năng này, các hãng chip nước ngoài phải chật vật cạnh tranh với các hãng chip nội địa mới nổi, nhất là trong các lĩnh vực chất bán dẫn cho xe điện.

"Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ lớn theo hướng khác so với Mỹ", CEO chi nhánh Trung Quốc của một hãng sản xuất thiết bị chip nước ngoài nói.

Theo Nikkei Asia, Reuters, SCMP, Asia Financial

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới