(KTSG Online) – Trước đây, khi các trường chưa mở ngành game, nhân lực làm ngành này tại Việt Nam thường học các chuyên ngành liên quan như công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, thiết kế đồ họa... Thời gian gần đây, chuyên ngành game đã được mở tại một số trường đại học, học viện, trung tâm giáo dục với hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển ngành này trong tương lai.
Trên thế giới đã có trên 100 trường đại học đang đào tạo ngành game, thế nhưng ở Việt Nam hiện nay còn ít trường đại học đào tạo ngành học này. Đây là lý do nhân lực làm game của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn đến từ những ngành gần gũi với game như trên.
Nhiều đơn vị tham gia đào tạo ngành game
Cách đây hơn 1 tháng, công Sconnect đã mở Học viện Sconnect Academy of Media Arts (SAMA) để đào tạo hoạt hình, game. Tại đây, SAMA đào tạo chuyên ngành thiết kế game cho những người có nhu cầu do nhận thấy nhu cầu thị trường nhân lực đang thiếu ngành này.
Còn trường Cao đẳng FPT Polytechnic cũng vừa công bố chính thức đào tạo chuyên ngành lập trình game và sẽ tuyển sinh từ năm nay. Mỗi khóa học sẽ kéo dài 2 năm và chương trình đào tạo này đã được thẩm định bởi nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất game tại Việt Nam. Do đó sinh viên sẽ có cơ hội tham gia trực tiếp vào các dự án thực tế do doanh nghiệp đặt hàng và học những kiến thức liên quan về thiết kế đồ hoạ, tạo hình chuyển động, xây dựng cốt truyện trong game. Qua đó, các sinh viên có thể bắt đầu tham gia từ những khâu nhỏ nhất, cho tới khi hoàn thiện tựa game mà mình mong muốn.
Với đào tạo hệ đại học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang triển khai kế hoạch sẽ tuyển sinh chuyên ngành về game từ tháng 9 tới. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết khóa đầu tiên này học viện sẽ tuyển 200 sinh viên.
Ông Bắc cho hay, ngành học này được mở ra để bắt nhịp xu hướng thị trường, sinh viên theo học ngành học này sẽ được đào tạo kiến thức, tư duy sáng tạo nội dung các game, nhưng định hướng tích cực, thiên hướng về game học tập... Qua đó, cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường game của thế giới.
Chương trình đào tạo của chuyên ngành này sẽ được thiết kế gắn kết với các doanh nghiệp. Học viên sẽ được thực tập ngay từ năm thứ nhất và được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về game, từ nội dung cho đến các công cụ thiết kế.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường thứ 2 hệ đại học mở chuyên ngành đào tạo về game. Trường đại học đầu tiên mở ngành đào tạo này tại Việt Nam từ năm 2022 là RMIT. Tại buổi lễ ra mắt ngành game, ông Donna Cleveland, Phó trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT cho hay ngành game tại Việt Nam và quốc tế đang thiếu hụt chuyên gia thiết kế game.
Chương trình đào tạo về game được RMIT triển khai tại Việt Nam trên cơ sở xây dựng dựa trên ngành học tương tự tại Đại học RMIT ở Úc. Chương trình chú trọng vào hình thức học theo dự án sẽ cho sinh viên kinh nghiệm sát sao về nhiều khâu trong thiết kế và sản xuất game, bao gồm: quản lý dự án số, lập trình game và lên kịch bản...
Cũng nhận thấy tiềm năng phát triển ngành game Việt Nam, từ năm ngoái, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech đã ra mắt chương trình lập trình game trên toàn cầu và chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên để triển khai đào tạo.
Trước xu hướng thiếu nhân lực của ngành game, các chuyên gia dự đoán thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường, cơ sở giáo dục tại Việt Nam mở chuyên ngành đào tạo về game.
Tăng đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực
Nói về vai trò của ngành game, tại sự kiện GameVerse được tổ chức gần đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong chiến lược phát triển game 2022-2027, mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền Thông đề ra là tăng doanh thu ngành lên 1 tỉ đô la Mỹ (tăng 400 triệu đô so với năm 2023); tăng thêm số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành; kết hợp với các trường đào tạo nhân lực cho ngành...
Sau khi thực hiện một khảo sát và nghiên cứu về ngành game, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng để ngành game có thể phát triển bền vững cần đầu tư mạnh cho đào tạo nhân lực thiết kế game.
Theo nghiên cứu của Đại học RMIT, ngành game tại Việt Nam đang trong giai đoạn nở rộ. Năm 2020, tổng doanh thu của ngành game trong nước cán mốc 12.000 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Việt Nam nằm trong 10 nước phát hành game hàng đầu tính theo số lượt tải xuống ở Đông Nam Á và Australia, New Zealand - theo báo cáo của App Annie. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là trung tâm game lớn ở Đông Nam Á với khoảng 430.000 nhà lập trình game đang làm việc cho nhiều công ty trong và ngoài nước.
Tuy vậy, các studio game Việt Nam chưa có nhiều game độc đáo, mới mẻ và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết các studio game ở Việt Nam đang hoạt động với mô hình gia công phần mềm - làm những việc liên quan tới gia công đồ họa, lập trình game hay nhân bản game; đang thiếu hụt các nhà thiết kế game có kỹ năng tạo ra một game hoàn chỉnh, ấn tượng từ những bước đầu cho đến thành phẩm. Trên thực tế, Việt Nam chưa có nhiều nhà thiết kế game, mà mới chỉ có nhiều nhà lập trình game.
Theo RMIT, nhiều game của Việt Nam được tạo bởi các nhà lập trình game thiếu tư duy vượt khuôn khổ, dẫn đến tạo ra sản phẩm thiếu tính độc đáo. Với trọng tâm phát triển game là nhân bản và gia công phần mềm, nhiều studio game Việt có thể kiếm tiền nhanh nhưng trọng tâm đó không thể giúp họ bứt phá trên thị trường toàn cầu.
Vì thế, RMIT cho rằng Việt Nam cần có thêm nhiều nhà thiết kế game có tư duy sáng tạo. Việt Nam cần đầu tư vào đào tạo và phát triển các nhân sự làm game có khả năng tìm kiếm và giải quyết vấn đề tốt; từ đó, giúp ngành game Việt Nam có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế số trong tương lai.
Để làm được điều này, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào việc tạo ra những nhà thiết kế game được đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng cần thiết và khả năng thích ứng với công nghệ đang phát triển.
Cùng chung quan điểm trên khi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, cũng cho rằng để phát triển ngành game thì đào tạo nhân lực là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng các chương trình đào tạo chuẩn, bài bản về ngành game.
Theo người đại diện Aptech, một chương trình đào tạo game bài bản phải gồm có 3 yếu tố, đó là chương trình được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thế giới; có đội ngũ chuyên gia trình độ tham gia giảng dạy; có hỗ trợ, kết nối việc làm cho sinh viên.
Cũng vì thiếu những chương trình đào tạo bài bản, ông Tuấn Anh cho biết các doanh nghiệp làm game không thể tuyển dụng những nhân sự lập trình game, họ buộc phải tuyển những lập trình viên biết các công nghệ khác và đào tạo lại. Thực tế này dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự, tốn kém về thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Cũng nói về vấn đề trên, tại sự kiện GameVerse, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC cho hay năm 2015 nhân lực ngành game của Việt Nam là 7.000 người nhưng đến 2021 đã lên tới 25.000 người. Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung hiện thiếu rất nhiều chứ đừng nói là ngành game. Chưa kể sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp còn rất lớn. Hiện nay chỉ có khoảng gần 30% sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Tự Do cũng cho rằng nhằm phát triển ngành game trong thời gian tới thì giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi.
Do đó để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông này đã khuyến khích Học viện Bưu chính Viễn thông mở chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game. Ngoài ra, Bộ này cũng đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường khác, để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc của VTC, cũng cho rằng, khi coi game là một ngành thì nó sẽ sinh ra nghề. Khi các trường đại học đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành này sẽ khiến cho định kiến của xã hội thay đổi. Khi phụ huynh cho con theo học ngành game sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đang thiếu hiện nay.