Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành hàng không toàn cầu lỗ hơn 200 tỉ đô la vì Covid-19

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính các hãng bay trên toàn cầu thua lỗ tổng cộng 201 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2020-2022 do tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19 lên nhu cầu đi lại hàng không. Con số thua lỗ này gần như xóa sạch lợi nhuận của họ trong 9 năm trước đó.

Tuy nhiên, IATA nhận định ngành hàng không toàn cầu sẽ giảm lỗ mạnh trong năm tới và có lợi nhuận trở lại vào năm 2023.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định ngành hàng không toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi. Ảnh: The Print

Nhu cầu bay công tác và quốc tế phục hồi chậm

Thông tin ảm đạm  trên được đưa ra tại hội nghị thường niên của IATA được tổ chức ở TP. Boston (Mỹ) hôm 4-10. Con số 201 tỉ đô la được tính toán sau khi IATA đánh giá lại và tăng mức tổn thất của ngành hàng không trong năm 2020, nâng dự báo mức tổn thất trong năm 2021 và ước tính thua lỗ thêm 11,6 tỉ đô la nữa vào năm 2022.

Sau khi các chuyến bay vẫn bị hạn chế ở các nước phương Tây trong suốt mùa hè vốn thường mang lại lợi nhuận lớn cho các hãng bay, IATA dự báo tổn thất của ngành hàng không toàn cầu năm nay là 52 tỉ đô la, tệ hơn mức 48 tỉ đô la theo ước tính của tổ chức này hồi tháng 4. Trong khi đó, mức thua lỗ năm ngoái được điều chỉnh từ 126 tỉ đô la lên 138 tỉ đô la.

IATA cho biết dù đi lại hàng không nội địa và khu vực bắt đầu bật dậy, nhu cầu bay công tác ở các tuyến bay quốc tế phục hồi rất chậm chạp. Mỹ sẽ mở cửa biên giới đối với du khách châu Âu bắt đầu vào tháng tới nhưng các thị trường bay đường dài khác vẫn đang bế tắc, đặc biệt là những tuyến bay kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ.

“Mức độ của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với các hãng hàng không là rất lớn. Mọi người không từ bỏ ước muốn du lịch vì chúng ta đang chứng kiến đà phục hồi vững chắc của các thị trường nội địa. Nhưng họ đang bị cản trở du lịch quốc tế vì những hạn chế biên giới, tình trạng bất ổn và và phức tạp của dịch bệnh”, Tổng Giám đốc IATA, Willie Walsh nói tại cuộc họp qui tụ các giám đốc điều hành từ ngành hàng không đông đảo nhất trong hơn 2 năm qua.

Các hãng bay cũng phải đối mặt thêm một thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu giảm dấu ấn carbon. Áp lực này tăng lên trong những tháng gần đây. Hôm qua, IATA tuyên bố thúc đẩy nỗ lực giảm khí thải trong ngành vận tải hàng không với mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.

IATA dự báo lưu lượng hành khách đi máy bay đạt 40% mức trước đại dịch trong năm nay, tăng lên mức 61% vào năm 2022, tức khoảng 3,4 tỉ lượt khách. Con số này chỉ  tương đương số lượt hành khách đi máy bay vào 2014 và vẫn thấp hơn 25% so với lượt hành khách trong năm 2019.

Để hỗ trợ đà phục hồi của ngành hàng không, Walsh kêu gọi các chính phủ đơn đơn giản hóa các hạn chế đi lại phức tạp. Ông nói: “Các biện pháp hạn chế đi lại giúp các chính phủ có thời gian để ứng phó đại dịch trong những ngày đầu. Gần 2 năm đã trôi qua, tính hợp lý của chúng không còn nữa”.

Ông cho rằng dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế sẽ giúp lượng đặt chỗ máy bay tăng lên nhưng phê phán các nước thiếu các hướng dẫn đồng bộ về các tiêu chuẩn an toàn liên quan đến khung thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính, phương pháp xác minh đã tiêm vaccine.

Dù khó khăn nhưng con đường phục hồi đã mở

Trong số các khu vực trên toàn cầu, chỉ có các hãng bay ở Bắc Mỹ được dự báo có lãi trở lại vào năm tới, với gần 10 tỉ đô la lợi nhuận ròng. Theo IATA, trong năm 2022, các hãng bay ở châu Âu sẽ thua lỗ tổng cộng khoảng 9,2 tỉ đô la, trong khi đó, các hãng bay ở Trung Đông, vốn phụ thuộc nhiều vào các tuyến liên lục địa, sẽ thua lỗ 4,6 tỉ đô la.

Tuy nhiên, Walsh bày tỏ lạc quan với các lãnh đạo của các hãng bay rằng ngành hàng không "đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Trong khi các vấn đề nghiêm trọng vẫn còn tồn tại, con đường phục hồi đang hiện ra trước mắt”.

Lượng khách trên các tuyến bay nội địa, được hưởng lợi từ nhờ các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, sẽ gần như trở lại mức trước đại dịch vào năm tới, IATA cho biết.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một điểm sáng khác, với nhu cầu năm nay dự kiến ​​sẽ cao hơn 8% so với mức 2019, tăng lên hơn 13% vào năm 2022 trong bối cảnh lượng lượng đơn hàng tăng vọt nhờ cơn bùng nổ mua sắm trực tuyến và nhu cầu bổ sung hàng hóa dự trữ của các nhà bán lẻ.

Walsh cho biết các hãng hãng bay sẽ tiếp tục cần các biện pháp hỗ trợ trả lương cho nhân viên từ chính phủ cho đến khi du lịch quốc tế hồi phục trên quy mô lớn.

Các hãng hàng không được dự báo sẽ tăng công suất nhanh hơn so với tốc phục hồi của lượng hành khách, làm ảnh hưởng đến hệ số sử dụng ghế. Hệ số này dự kiến ​​đạt mức trung bình 67% trong năm nay nhưng sẽ cải thiện lên mức 75% vào năm 2022,  vẫn thấp so mức kỷ lục 83% được thiết lập vào năm 2019.

IATA đại diện cho 290 hãng hàng không, chiếm 82% lưu lượng hàng không toàn cầu, nhưng các thành viên của tổ chức không bao gồm một số hãng hàng không giá rẻ nằm trong số những hãng dự kiến ​​sẽ phục hồi nhanh nhất sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo CNBC, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới