(KTSG Online) – Ngành công nghiệp khai khoáng toàn cầu cần đầu tư hơn 100 tỉ đô la Mỹ để phát triển các mỏ đồng với sản lượng đủ bù đắp cho mức thâm hụt nguồn cung hàng năm dự kiến 4,8 triệu tấn vào năm 2030, theo nhận định của Erik Heimlich, Giám đốc bộ phận nguồn cung kim loại cơ bản ở Công ty tư vấn hàng hóa CRU (Anh).
Phát biểu tại Hội nghị đồng thế giới CRU 2022 (2022 CRU World Copper Conference) tổ chức ở Santiago, Chile trong tuần qua, ông Heimlich cho biết khoảng trống nguồn cung đồng trong thập niên sắp tới vào khoảng 6 triệu tấn/năm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đồng của ngành xe điện và ngành năng lượng sạch tăng mạnh.
Điều này có nghĩa là thế giới cần phát triển 8 dự án mỏ đồng có quy mô tương đương mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida tại Chile trong 8 năm tới. Heimlich cho rằng đây là nhiệm vụ khó khăn vì đòi hỏi quy mô đầu tư rất lớn và thực tế, có hơn một nửa số dự án mỏ đồng hiện nay được phát triển mới hoàn toàn.
Ông nói: "Trước đây, tỷ lệ hoàn thành của các dự án mới hoàn toàn là rất thấp. Chẳng hạn, phần các dự án đầu tư mới hoàn toàn trong năm 2012 cho đến nay vẫn chưa được phát triển đầy đủ, vì vậy, có những hoài nghi về khả năng ứng phó sự thiếu hụt nguồn cung đồng một cách hiệu quả và kịp thời”.
Một số mỏ đồng lớn trên thế giới đã đi vào hoạt động trong 3 năm qua. Mỏ đồng lộ thiên Cobre Panama của Công ty khai khoáng First Quantum Minerals (Canada) ở Panama đã đi vào sản xuất thương mại kể từ tháng 9-2019. Trữ lượng đồng tiềm năng và đã được chứng minh ở mỏ này vào khoảng 3,1 tỉ tấn. Khi hoạt động với công suất tối đa, mỏ Cobre Panama có thể sản xuất hơn 300.000 tấn đồng mỗi năm.
Công ty khai khoáng Ivanhoe Mines (Canada), cũng đã bắt đầu sản xuất tinh quặng đồng ở dự án Kamoa-Kakula ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) vào tháng 5 năm ngoái.
Tập đoàn khai khoáng Anglo American của Anh đã khai thác những mẻ quặng đồng đầu tiên ở mỏ Quellaveco tọa lạc ở vùng Moquegua của Peru vào tháng 10-2021. Mỏ này dự kiến đi vào sản xuất thương mại vào giữa năm 2022, có khả năng cung cấp 120.000-160.000 tấn đồng mỗi năm. Sản lượng của mỏ Quellaveco dự kiến đạt 300.000 tấn/năm trong 10 năm đầu tiên nếu hoạt động hết công suất.
Dù các dự án mỏ đồng đang trong quá trình triển khai, các nhà sản xuất cũng thận trọng tránh lặp lại sai lầm khi nguồn cung vượt nhu cầu trong các chu kỳ trước đây bằng cách tăng tốc các kế hoạch vào thời điểm việc phát triển các mỏ đồng ngày càng phức tạp và tốn kém hơn.
Giá đồng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Comex) đã ở thiết lập mức cao kỷ lục, 10.910 đô la/tấn hồi đầu tháng 3 nhưng đã giảm trong những ngày gần đây do
do các mối lo lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc khi nước này chật vật ứng phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020.
Trong báo cáo mới nhất, các nhà phân tích ở bộ phận nghiên cứu toàn cầu thuộc Ngân hàng Bank of America (BofA) cũng đồng tình với các dự báo của CRU. Theo báo cáo, việc gia tăng sản lượng đồng nhanh chóng sẽ là một thách thức.
Họ viết: “Nhiều trong số các dự án hiện tại đã được phát triển trong gần 3 thập niên qua nhưng với hoạt động thăm dò chỉ ở mức tương đối hạn chế trong những năm gần đây, việc gia tăng nguồn cung sẽ chậm lại kể từ năm 2025”.
Nguồn cung đồng mới cho thập niên tới có thể đến từ mỏ đồng-vàng Reko Diq ở tỉnh Balochistan của Pakistan sau khi Công ty khai khoáng Barrick Gold của Canada được chính phủ Pakistan cấp giấy phép thăm dò và khai thác mỏ này vào hồi đầu tuần trước.
Reko Diq là một trong những mỏ đồng-vàng chưa phát triển lớn nhất trên thế giới, có khả năng cung cấp 200.000 tấn đồng và 250.000 ounce vàng mỗi năm trong vòng đời 50 năm.
Dự án mỏ đồng-vàng Tampakan của Alcantara Group ở Philippines cũng như dự án mỏ đồng-vàng của Seabridge Gold ở Canada dự kiến góp phần lấp khoảng trống nguồn cung đồng toàn cầu trong những năm tới.
Tampakan là mỏ đồng chưa phát triển lớn nhất Đông Nam Á, có khả năng cung cấp 375.000 tấn đồng mỗi năm trong chu kỳ khai thác 17 năm.
Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto (Anh-Úc) đang đầu tư 6,93 tỉ đô la cho dự án mở rộng mỏ đồng-vàng Oyu Tolgoi ở Mông Cổ. Dự kiến, dự án sẽ đi vào sản xuất vào nửa đầu năm 2023.
Thị trường cũng đang theo dõi chặt chẽ dự án mỏ đồng-vàng Alpala của Công ty khai khoáng SolGold (Úc) ở Ecuador.
Công ty này vẫn chưa công bố nghiên cứu tính tiền khả thi của của dự án, nhưng cho biết một khi được phát triển, mỏ này có khả năng sản xuất trung bình 150.000 tấn đồng, 245.000 ounce vàng và 913.000 ounce bạc mỗi năm trong vònh đời khai khác 55 năm.
Theo Mining.com