Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành kinh tế xanh tăng trưởng vượt trội, chỉ sau công nghệ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong thập niên qua, tăng trưởng vốn hóa của các công ty tạo nên nền kinh tế xanh toàn cầu chỉ thua kém các công ty công nghệ, vốn được hưởng lợi từ cơn bùng nổ đầu tư trí tuệ nhân tạo (Al) trong thời gian gần đây.

Các ngành công nghiệp xanh trở thành lĩnh vực kinh tế lớn thứ 4 thế giới xét về giá trị, đứng trên lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ và năng lượng hóa thạch. Ảnh minh họa: BCT

Cơ hội từ nền kinh tế xanh là rất lớn vì từ nay đến năm 2050, thế giới cần đầu tư từ 109-275 nghìn tỉ đô la Mỹ để chuyển đổi thành công sang các nguồn năng lượng ít carbon.

Thông tin có trong báo cáo mới đây về nền kinh tế xanh 2024 của London Stock Exchange Group (LSEG), công ty sở hữu Sàn giao dịch chứng khoán London.

Lĩnh vực kinh tế lớn thứ 4 thế giới

Theo báo cáo của LSEG, vốn hóa thị trường của các công ty tạo nên nền kinh tế xanh toàn cầu tăng lên 7.200 tỉ đô la Mỹ, tính đến quí 1-2024. Con số này đưa các ngành công nghiệp xanh trở thành lĩnh vực kinh tế lớn thứ 4 thế giới xét về giá trị, đứng trên lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ và năng lượng hóa thạch.

LSEG định nghĩa nền kinh tế xanh bằng cách đánh giá mức độ tiếp cận doanh thu từ các hoạt động kinh doanh xanh của hơn 19.000 công ty niêm yết trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy, hơn 4.000 trong số đó tạo ra doanh thu từ các sản phẩm và dịch vụ xanh, bao gồm mọi thứ từ sản xuất năng lượng tái tạo đến khai thác hoặc chế biến các khoáng chất quan trọng cần thiết cho pin và phát triển vật liệu có thể tái chế.

Báo cáo cho biết, vốn hóa thị trường của các công này đạt mức tăng trưởng gộp hàng năm 13,8% trong thập niên qua. Tỷ lệ này cao hơn mức tăng 8,3% của thị trường chứng khoán toàn cầu và chỉ đứng sau các công ty trong ngành công nghệ.

Tính đến tháng 4-2024, những công ty có nguồn doanh thu xanh đại diện cho 8,6% thị trường chứng khoán toàn cầu. Những công ty này niêm yết ở hơn 50 thị trường phát triển và mới nổi.

Trong đó, Mỹ chiếm 60% thị phần vốn hóa thị trường của nền kinh tế xanh trong năm 2024. Vượt qua Trung Quốc, Đài Loan trở thành thị trường lớn thứ hai (6%) vào năm 2024. Điều này là nhờ TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, có vốn hóa thị trường gần 600 tỉ đô la Mỹ. Hơn 60% doanh thu của TSMC được LSEG phân loại là doanh thu xanh. TSCM cung cấp nhiều sản phẩm chip quản lý nguồn điện, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm 5% thị phần vốn hóa thị trường của nền kinh tế xanh toàn cầu. Nguyên nhân là do mức định giá của thị trường chứng khoán trong nước giảm và nhiều công ty trong các ngành công nghiệp xanh chưa niêm yết.

Báo cáo của LSEG lưu ý, tăng trưởng diễn ra không đồng đều giữa các ngành trong lĩnh vực kinh tế xanh. Các công ty cung cấp giải pháp quản lý và tiết kiệm năng lượng dẫn đầu, chiếm đến 46% vốn hóa thị trường của nền kinh tế xanh và 30% lượng vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu xanh. Các tỷ lệ này vượt xa các công ty trong ngành năng lượng tái tạo.

Báo cáo cũng nêu bật những cản lực có thể ảnh hưởng đến mức định giá của nền kinh tế xanh trong tương lai, chẳng hạn vấn đề dư thừa công sất và rào cản thương mại đối với xe điện và thiết bị năng lượng tái tạo.

Bất chấp những biến động của thị trường và rủi ro địa chính trị phức tạp, nền kinh tế xanh ngày càng được công nhận là một thành phần cơ bản của thị trường tài chính. Năm ngoái, thị trường trái phiếu xanh duy trì đà phát triển, với 540 tỉ đô la Mỹ trái phiếu xanh được phát hành. Trái phiếu xanh mới phát hành chiếm 6% tổng số trái phiếu chào bán trên thị trường vào năm 2023.

Thị tường trái phiếu xanh toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, với khoảng 540 tỉ đô la trái phiếu được phát hành. Ảnh: lseg.com

AI và trung tâm dữ liệu sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh

LSEG dự đoán, nhu cầu năng lượng tái tạo và các dịch vụ tiết kiệm năng lượng của các công nghệ kỹ thuật số mới như AI và trung tâm dữ liệu có thể thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn nữa.

Các bằng chứng đáng chú ý của xu hướng này gồm thỏa thuận kỷ lục 10,5 tỉ đô la gần đây của Microsoft để mua 10,5 GW năng lượng mặt trời và gió; khoản đầu tư hàng tỉ đô la của Google vào nỗ lực khử carbon cho các trung tâm dữ liệu và công nghệ AI. Lượng phát thải carbon của Google tăng 48% trong 5 năm qua, chủ yếu là do các trung tâm dữ liệu của gã khổng lồ tìm kiếm này tiêu thụ quá nhiều năng lượng.

Cơn bùng nổ của ngành công nghệ nhờ hiệu ứng từ cơn sốt AI đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài, quá trình chuyển đổi xanh sẽ tạo ra cơ hội đầu tư khổng lồ cần được xem xét. Theo các ước tính, từ nay đến năm 2050, thế  giới cần đầu tư từ 109-275 nghìn tỉ đô la Mỹ để chuyển đổi thành công nền kinh tế từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng ít carbon. Dòng tiền đầu tư này sẽ chảy vào các sản phẩm và dịch vụ giúp giảm khí thải nhà kính và giải quyết các nhu cầu cấp bách khác liên quan đến khác từ nước sạch đến giao thông xanh và quản lý chất thải.

“Đây là cơ hội đầu tư có một không hai, cả về quy mô lẫn hiệu suất tăng trưởng”, Jaakko Kooroshy, người đứng đầu toàn cầu ở bộ nghiên cứu đầu tư bền vững của LSEG nói.

Trên thực tế, sự tăng trưởng bùng nổ của AI và trung tâm dữ liệu có thể trở thành động lực mới cho việc mở rộng nền kinh tế xanh. LSEG cho biết, các tập đoàn công nghệ cần nhiều chip, máy chủ và hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng hơn để thúc đẩy sự phát triển tiếp theo của AI. Ngoài ra, các tập đoàn này ngày càng quan tâm đến tác động môi trường của công nghệ AI và tìm cách tiếp cận các nguồn năng lượng sạch hơn.

Theo lseg.com, Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới