Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành logistics tích hợp AI vào hoạt động để tiết kiệm chi phí

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty logistics đang đang tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh vào hoạt động để tiết kiệm chi phí, giao hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn. Một lợi ích dễ nhận thấy của công nghệ này là tập hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng để các công ty trong ngành có thể nắm bắt tình hình chuỗi cung ứng theo thời gian thực, từ đó đưa ra các quyết định kịp thời.

Công nghệ AI giúp các công ty logistics nắm bắt tình hình chuỗi cung ứng theo thời than thực để đưa ra các quyết định kịp thời. Ảnh: WSJ

Giúp loại bỏ thao tác thủ công tốn kém thời gian

Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ pháp lý đến sản xuất đã tìm kiếm những lợi ích tiềm năng của AI sau khi công nghệ này xuất hiện vào cuối năm 2022. Các bước đi ban đầu của họ tập trung vào việc tận dụng AI để đẩy nhanh các nhiệm vụ như ra quyết định, viết mã lập trình cho phần mềm và viết báo cáo kinh doanh.

Đối với các nhà khai thác dịch vụ logistics, mục đích sử dụng ban đầu AI bao gồm xây dựng các chatbot có thể đảm nhận chức năng hỗ trợ khách hàng như đặt đơn hàng vận chuyển và theo dõi lô hàng. Giờ đây, họ tìm cách đưa công nghệ vào hoạt động hậu cần hàng ngày của họ.

Hãng phần mềm Celonis của Đức đang cung cấp công cụ AI cho nhà sản xuất thực phẩm và bánh kẹo Mars (Mỹ) để hỗ trợ kết hợp các lô hàng trong cùng một chuyến xe tải, giúp cắt giảm chi phí vận chuyển và tăng tốc độ giao hàng.

Alex Rinke, CEO của Celonis cho biết, trước đây, Mars đánh giá các yếu tố như thời tiết theo quy trình thủ công để xác định các lô hàng nào có thể kết hợp với nhau trong cùng một chuyến xe và liệu có cần sử dụng xe tải đông lạnh để vận chuyển hàng hay không.

“Với AI, chúng ta có thể chủ động nói với khách hàng đây là tất cả khối lượng hàng của bạn sẽ được vận chuyển và bạn cần kết hợp chúng lại trong cùng một chuyến. Điều đó giúp giảm 80% số thao tác thủ công và cũng giúp khách hàng hoạt động hiệu quả hơn nhờ chi phí vận chuyển và lượng khí thải nhà kính giảm, đồng thời thời gian giao hàng đúng hẹn được cải thiện”, Rinke nói.

Ônng cho biết, một công ty khác đang sử dụng công cụ AI của Celonis để đối chiếu các điều khoản trong hợp đồng với nhà cung cấp với hóa đơn thanh toán cuối cùng để đảm bảo rằng không bỏ sót các khoản giảm giá hoặc chiết khấu. Trước đây, đó là một quy trình tốn nhiều thời gian, trong đó nhân viên phải kiểm tra hợp đồng một cách thủ công.

Việc tăng cường sử dụng AI tạo sinh là động thái mới nhất trong nỗ lực dài hạn của các công ty losgistics nhằm đưa các công cụ học máy vào hoạt động quản lý chuỗi cung ứng của họ.

ThredUp (Mỹ), nhà bán lẻ thời trang secondhand đang sử dụng AI ở các trung tâm phân phối để cải thiện khối lượng hàng xử lý và năng suất, James Reinhart, CEO của ThredUp, tiết lộ trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanhh hồi đầu tháng 4.

Chẳng hạn, công ty sử dụng AI để đưa thông tin mô tả sản phẩm lên website bán hàng, thay vì để nhân viên nhà kho gõ dữ liệu bằng tay như trước đây. “Tôi nghĩ chỉ trong 12 tháng qua, sự thay đổi này đã cho thấy những gì mà công nghệ AI có thể làm được. Điều đó ý nghĩa thực sự đối với mức độ hiệu quả hoạt động và triển vọng biên lợi nhuận cuối cùng của chúng tôi”, Reinhart nói.

Xây dựng các chatbot phản hồi theo thời gian thực

Tuy nhiên, AI tạo sinh vẫn còn những mặt hạn chế. Các chuyên gia lưu ý, các công cụ AI chỉ hoạt động tốt dựa trên dữ liệu đã được đào tạo và đôi khi có thể trả lời sai các câu hỏi. Matthias Winkenbach, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm vận tải và hậu cần ở Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết, với những hạn chế này, công cụ AI ban đầu cần được sử dụng các góc tương đối biệt lập của chuỗi cung ứng.

“Bằng cách đó, nếu xảy ra sự cố, mức độ rủi ro của bạn sẽ được hạn chế. Do đó, bạn sẽ không bị mất những khách hàng quan trọng nhất”, Winkenbach nói.

Winkenbach nhận định, công nghệ AI cuối cùng có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ rộng hơn như quản lý đơn hàng và theo dõi nhà cung cấp.

Alex Rinke, CEO của Celonis, cho biết công ty ông đang tìm cách kết hợp dữ liệu từ nhiều khách hàng khác nhau theo cách ẩn danh để cung cấp thông tin rộng hơn về những rủi ro tiềm ẩn và những nơi có thể tiết kiệm chi phí trong chuỗi cung ứng của họ.

Nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng Uber Freight, một đơn vị của Uber Technologies và FourKites, một công ty khởi nghiệp theo dõi các chuyến hàng vận chuyển trong thời gian thực, đã tạo ra các chatbot cho phép người gửi hàng đặt câu hỏi đàm thoại về hoạt động hậu cần của họ.

Các công ty sử dụng chatbot của Uber Freight có thể đặt câu hỏi về lộ trình giao hàng nào thường bị chậm trễ và mức độ dịch vụ của Uber so với các công ty cùng ngành như thế nào. Đây là những thông tin đã có sẵn nhưng nhân viên khó diễn giải và phản hồi nhanh chóng cho khách hàng. Uber Freight cho biết công ty đang nỗ lực xây dựng khả năng đưa ra khuyến nghị cho các chủ hàng để giúp họ giảm chi phí và tăng tốc độ vận chuyển.

Chatbot của FourKites có thể trả lời các câu hỏi như lô hàng nào đang bị hoãn giao để giúp các công ty đưa ra quyết định nhanh chóng. Tập đoàn dược phẩm và nông nghiệp Bayer của Đức đang sử dụng chatbot của FourKites để giúp ứng phó với tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ.

“Bạn có thể biết container hàng đang ở đâu, container bị kẹt ở nơi nào, đâu là lý do. Câu trả lời được đưa ra theo thời gian thực để bạn có thể ra quyết định nhanh chóng”. Johnny Ivanyi, giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng của Bayer Crop Science, đơn vị nông nghiệp của Bayer, nói.

Ông giải thích, điều đó đã giúp Bayer theo dõi các chuyến hàng trên đường đến các nhà nhà máy của công ty khi các quyết định vận chuyển thay đổi để có thể lập kế hoạch sản xuất tốt hơn.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới