Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành mì ăn liền Thái Lan lần đầu tiên xin tăng giá sau 14 năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm nhà sản xuất mì ăn liền ở Thái Lan đang đề nghị chính phủ cho phép họ tăng giá bán lần đầu tiên trong 14 năm để bù đắp cho phí nguyên liệu đầu vào đang tăng vọt.

Khách mua sắm xem các sản phẩm mì ăn liền trên kệ hàng của một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Mì ăn liền, mặt hàng thực phẩm chủ lực của các hộ gia đình có thu nhập thấp, nằm trong trong 18 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu không được tăng giá nếu như không nhận được sự chấp thuận của Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan.

Hôm 15-8,  lãnh đạo của 5 công ty sản xuất mì ăn liền ở Thái Lan gồm Thai Preserved Food, Nissin Food Thailand, Thai President Foods, Wan Thai Foods Industry và Chokchaipibul đã cùng nhau yêu cầu chính phủ xem xét cho phép họ tăng giá bán sản phẩm mì ăn liền tiêu chuẩn thêm 2 baht, từ 6 baht (4.000 đồng) lên 8 baht (5.300 đồng) mỗi gói.

Weera Naphaphreugchart, Phó Giám đốc điều hành của Thai Preserved Food, nhà sản xuất mì ăn liền thương hiệu Wai Wai, cho biết công ty ông đang đối mặt với lạm phát và chi phí vận chuyển tăng cao trong năm qua, khiến một số sản phẩm bán với giá lỗ. “Ngoài ra, chúng tôi đã không điều chỉnh giá mì trong 14 năm do chính sách ấn định giá của Cục Nội thương. Do đó, đây là thời điểm cần điều chỉnh lại giá để phản ánh đúng chi phí thực tế”, ông nói.

Kittiphos Charnphaworakit, Phó chủ tịch Wan Thai Foods, nhà sản xuất mì Yum Yum,  cho biết chi phí của các nguyên liệu thô, chẳng hạn như bột mì và dầu cọ, đã tăng mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và hiện tại cao hơn 40% so với năm 2019. Ông nói thêm rằng công ty ông đã tăng giá bán giá mì Yum Yum ở thị trường nước ngoài lên mức  gần gấp so với mì Yum Yum bán ở Thái Lan.

Nissin Foods Thailand, nhà sản xuất mì Nissin, cũng đã áp dụng chiến lược tăng giá hàng xuất khẩu để trụ vững trong bối cảnh chi phí tăng cao. Theo Giám đốc điều hành Hijiri Fukuoka, công ty ông đã tăng giá mì bán ở thị trường nước ngoài từ 5-12% kể từ tháng 6.

Phan Paniangwet, Chánh Văn phòng Chủ tịch Thai President Foods, nhà sản xuất mì Mama, lưu ý đây là lần đầu tiên 5 nhà sản xuất mì ăn liền ở Thái Lan cùng đề nghị tăng giá bán vì tất cả họ đều không kham nổi chi phí ngày càng tăng. Ông phàn nàn không chỉ giá dầu cọ và bột mì tăng, mà giá các nguyên liệu gia vị khác cũng tăng, chẳng hạn giá tỏi và ớt tăng từ 8-35%, trong kho đó, giá bao bì đóng gói tăng từ 12-15%.

Parinya Sitthidamrong, Giám đốc Chokchaipibul, nhà sản xuất mì Seusat, kêu gọi Cục Nội thương xem xét cho phép điều chỉnh giá bán mì “để giúp hoạt động kinh doanh của chúng tôi có thể tiếp tục, vì chúng tôi hiện đang chịu thiệt hại không chỉ là mất mát về lợi nhuận”.

Trong một tuyên bố hôm 16-8, Cục trưởng Cục Nội thương Thái Lan, Wattanasak Sur-iam cho biết chính phủ sẽ xem xét các đề xuất trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và bất kỳ giải pháp nào sẽ phải có lợi cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Jurin Laksanawisit, nói rằng các nhà sản xuất mì ăn liền yêu cầu tăng giá 2 baht cho mỗi gói mì là quá nhiều. "Mức tăng hai baht là quá cao và sẽ ảnh hưởng quá nhiều đến những người có thu nhập thấp”, ông nói.

Khi được các phóng viên hỏi liệu mức tăng 1 baht có được chấp nhận hay không, ông cho biết Cục Nội thương sẽ xem xét chi phí sản xuất của các nhà sản xuất mì ăn liền. Ông cho biết đã chỉ đạo cục này cho phép một mức tăng phản ánh chi phí thực tế nếu đây là điều cần thiết.

Ông nhấn mạnh mức tăng giá mì gói chỉ nên tác động đến người tiêu dùng phải ở mức tối thiểu nhưng vẫn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất không phải chịu thua lỗ, tạm ngừng sản xuất hoặc xuất khẩu tất cả sản phẩm của họ sang thị trường nước ngoài, nơi có giá bán cao

Mì ăn liền nằm trong số 18 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng không được tăng giá nếu không có sự chấp thuận của Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan.

Ngoài mì ăn liền Thái lan còn có 17 sản phẩm và dịch vụ được quản lý giá gồm trứng và thịt, thực phẩm đóng hộp, gạo đóng bao, nước sốt gia vị, dầu thực vật, đồ uống có ga, sữa và các sản phẩm từ sữa, thiết bị điện, sản phẩm tẩy rửa, phân bón, thuốc diệt côn trùng, thức ăn gia súc, sắt, xi măng, giấy, thuốc và thiết bị y tế và các dịch vụ của các cửa hàng bán buôn và bán lẻ.

Theo The Nation, Bangkok Post, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Xem ra, cách quản lý tại Thái Lan rất khác nhiều so với ở ta. Mặt bằng giá cả hàng hóa thiết yếu ở ta đang tăng vùn vụt, kể cả ngay khi giá xăng dầu đã giảm xuống đáng kể? Các nhà buôn thì luôn có mọi lý do để biện minh, nhưng quan trọng là nhà quản lý có thể hiện hết trách nhiệm của mình hay không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới