Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành ngân hàng sẽ thay đổi thế nào sau Nghị quyết 68?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ban hành gần đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và giới doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn tới, khi nhiều rào cản được gỡ bỏ và nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn được đưa ra. Với ngành ngân hàng thì sao?

Giải pháp về đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của các ngân hàng trong giai đoạn tới. Ảnh: LÊ VŨ

Chuyển dịch cơ cấu tín dụng?

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân, giải pháp về đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của các ngân hàng trong giai đoạn tới. Cụ thể, yêu cầu ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), công nghiệp hỗ trợ, startup, chuyển đổi xanh... có thể làm thay đổi mục tiêu phát triển tín dụng của các ngân hàng trong giai đoạn tới. Theo đó, các ngân hàng sẽ đứng trước áp lực dịch chuyển cơ cấu dư nợ sang nhóm SME, bằng cách mở rộng giới hạn dư địa tín dụng cho nhóm SME nhiều hơn, từ đó cơ cấu tín dụng cũng sẽ tiếp tục chuyển dịch dần sang các phân khúc bán lẻ.

Thực tế, mục tiêu đẩy mạnh tín dụng dành cho SME thường xuyên được nêu ra trong những năm gần đây, nhưng kết quả vẫn chưa thật sự đạt được như kỳ vọng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 6,91 triệu tỉ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng với SME chỉ đạt 2,74 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 10,7% so với cuối năm 2023 và chỉ chiếm 17,6% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Nay với tinh thần của Nghị quyết 68, có lẽ SME sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 6,91 triệu tỉ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng với SME chỉ đạt 2,74 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 10,7% so với cuối năm 2023 và chỉ chiếm 17,6% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Nghị quyết 68 yêu cầu Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Để làm được điều này, các ngân hàng không chỉ phải tìm cách quản lý chi phí vốn hiệu quả hơn, tăng thu nhập phí để bù đắp, mà còn phải thiết kế các gói tín dụng xanh với giá vốn phù hợp.

Chính sách cho vay của các ngân hàng cũng sẽ chịu tác động và khẩu vị rủi ro cũng sẽ phải có những thay đổi nhất định. Cụ thể, Nghị quyết 68 khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.

Điều này buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh đầu tư vào các mô hình chấm điểm tín dụng phi tài sản thế chấp; sử dụng trí tuệ nhân tạo, học máy và dữ liệu lớn để xử lý các dữ liệu hiệu quả dùng để chấm điểm tín dụng khách hàng. Các dữ liệu đầu vào quan trọng như dữ liệu thuế, thanh toán tại các POS hay hóa đơn điện tử sẽ được ưu tiên sử dụng, vì vậy các ngân hàng sẽ cần tăng cường hợp tác ứng dụng Open API với Tổng cục Thuế, các cổng thanh toán quốc gia.

Nghị quyết 68 cũng nhắc đến giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp, đánh giá tình hình, mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp từ phía các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng tín dụng thứ ba để tăng cường cho vay đối với SME, hộ kinh doanh.

Cạnh tranh lớn hơn

Hoạt động của các ngân hàng có thể chịu sự cạnh tranh nhiều hơn trước, khi Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho SME; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của SME; hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của quỹ phát triển SME theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hóa, minh bạch hóa, số hóa điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn.

Điều này sẽ mở ra cơ chế đồng bảo lãnh, tái bảo lãnh giữa các tổ chức tín dụng, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các ngân hàng với tổn thất nếu xảy ra sẽ được chia sẻ. Để hạn chế mức độ cạnh tranh, các ngân hàng sẽ có thể nới lỏng tiêu chí cấp vốn hơn, đồng thời tích cực tham gia các quỹ bảo lãnh và quỹ phát triển SME tại các địa phương.

Bên cạnh đó, trước những ảnh hưởng từ khung pháp lý thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) hay sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) để kết nối trực tiếp SME với các nhân, tổ chức cho vay vốn, cũng như những sửa đổi pháp luật về cho thuê tài chính, các tổ chức tín dụng cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các công ty công nghệ tài chính (FinTech).

Vì vậy, các ngân hàng thay vì xác định các công ty FinTech là đối thủ cạnh tranh thì cũng có thể xem đó là đối tác, để cùng hợp tác, cung cấp vốn, quản lý dòng tiền trên các nền tảng P2P Lending. Trong khi các ngân hàng lớn có lợi thế về giấy phép, vốn rẻ, các công ty FinTech lại có lợi thế về công nghệ và dữ liệu vi mô, cũng như cơ chế đánh giá rủi ro tín dụng phù hợp hơn. Các ngân hàng cũng có thể trực tiếp đầu tư chiến lược vào các nền tảng P2P Lending như một lĩnh vực kinh doanh mới trong tương lai.

Đáng lưu ý, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho 2 triệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên khắp cả nước - đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, nơi 70% doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ hiện chưa tiếp cận tín dụng ngân hàng. Để thực hiện được mục tiêu này, các ngân hàng sẽ phải tăng cường phát triển mô hình ngân hàng đại lý như là cánh tay nối dài trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực tư nhân, đồng thời mở ra nguồn thu phí mới và dữ liệu giao dịch quý giá.

Về cơ bản, mô hình ngân hàng đại lý cho phép các ngân hàng mở điểm giao dịch nhỏ gọn tại các cửa hàng tạp hóa, bưu cục, mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp khác..., có thời gian phục vụ linh hoạt với các giao dịch nhỏ lẻ như nộp/rút tiền, chuyển khoản, thu hộ - chi hộ, nạp ví... đáp ứng nhu cầu của SME/hộ cá thể. Các ngân hàng cũng có cơ hội thử nghiệm sản phẩm tín dụng dòng tiền (cash-flow lending) và thu thập dữ liệu giao dịch của khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới