(KTSG Online) – Tương lai của ngành công nghiệp pin mặt trời ở Đông Nam Á trở nên mờ mịt khi đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưỡng mà chính phủ Mỹ dự kiến thực hiện trong thời gian tới.
Đòn thuế này chủ yếu nhắm đến các công ty Trung Quốc thiết lập nhà máy ở Đông Nam Á trong thập niên qua để lách thuế nhập khẩu của đối với pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc.
Nhà máy pin Trung Quốc thu hẹp hoạt động ở Đông Nam Á
Trong những tháng gần đây, ít nhất ba công ty pin mặt trời hàng đầu của Trung Quốc gồm Longi Green Energy Technology, Trina Solar và Jinko Solar đã thông báo tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia.
Theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF), 4 nước Đông Nam Á này chiếm 40% công suất sản xuất tấm mô-đun pin mặt trời bên ngoài Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc và Malaysia đưa tin, Longi đã tạm dừng 5 dây chuyền sản xuất tại Việt Nam và bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Malaysia. Trong khi đó, Trina Solar giảm công suất ở các nhà máy tại Đông Nam Á còn Jinko Solar đã đóng cửa một nhà máy ở Malaysia.
Quyết định trên được đưa ra sau khi thời gian Mỹ miễn thực thi áp thuế kéo dài 2 năm đối với pin mặt trời từ 4 nước Đông Nam Á trên kết thúc vào tháng 6 vừa qua.
Tháng 8 năm ngoái, sau cuộc điều tra kéo dài 17 tháng, Bộ Thương mại Mỹ kết luận, có 5 công ty liên quan đến Trung Quốc né thuế của Mỹ áp vào pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc bằng cách tiến hành gia công nhỏ để hoàn thiện sản phẩm tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Năm công ty này là BYD Hong Kong, New East Solar, Canadian Solar, Trina Solar và Vina Solar (đơn vị thành viên của Longi).
Kết luận trên cho phép Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao đến mức 254% đối với sản phẩm pin mặt trời sản xuất ở Đông Nam Á của các công ty này bắt đầu từ 6-2024.
Một số công ty pin của Mỹ đang kêu gọi Washington áp mức thuế cao tới 272% đối với tất cả các sản phẩm pin mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, BNEF dự báo, mức thuế mới đối với sản phẩm pin từ các nước này sẽ dao động từ 30-50%, cao hơn mức thuế 25% hiện tại đối với pin nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á sau khi Mỹ áp thuế đối với sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc vào năm 2012.
Theo S&P Global Market Intelligence, hơn 80% pin mặt trời nhập khẩu hàng năm của Mỹ đến từ khu vực này. Kim ngạch nhập khẩu pin mặt trời từ Đông Nam Á của Mỹ trong quí 2 tăng vọt 36%, lên mức cao kỷ lục khi các công ty trong nước chạy đua mua hàng trước khi thời hạn miễn áp thuế kết thúc.
Hồi đầu tháng 6, Ủy Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cũng kết luận, ngành công nghiệp pin mặt trời trong nước chịu tổn hại nặng nề do làn sóng nhập khẩu hàng giá rẻ từ Đông Nam Á.
Sắp công bố mức thuế mới
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến công bố mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mới đối với sản phẩm pin mặt trời từ Đông Nam Á trong vài tháng tới.
Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại của Hinrich Foundation, một tổ chức phi lợi thúc đẩy thương mại bền vững toàn cầu cho biết, thuế mới có thể chính thức áp dụng vào năm tới. Thuế mới có thể triển khai sớm hơn nếu Đảng Dân chủ giành được lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới.
“Các nhà cung cấp pin của Trung Quốc đang muốn chuyển dây chuyền sản xuất, đặc biệt là dây chuyền sản xuất tế bào pin, đến Indonesia, Lào hoặc Trung Đông”, Yana Hryshko, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu của hãng tư vấn Wood Mackenzie nói và cho biết thêm, nhà sản xuất đang chờ mức thuế mới của Mỹ như thế nào trước khi quyết định xem có cần di dời dây chuyền sản xuất hay không.
Tình trạng không chắn chắn này làm nổi bật sự hỗn loạn rộng lớn hơn trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch khi Mỹ, châu Âu và các nước khác tìm cách giành lại một số thị phần từ Trung Quốc, nước thống trị sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời cũng như pin xe điện.
Ngành công nghiệp pin mặt trời của Trung Quốc cũng đang vật lộn với tình trạng dư thừa công suất trong nước ngày càng trầm trọng, khiến một số công ty nhỏ phá sản.
Theo Dennis Ip, nhà phân tích của Daiwa Capital Markets, không phải tất cả các nhà máy pin mặt trời của Trung Quốc ở Đông Nam Á đều chịu áp đóng cửa. Pin mặt trời sản xuất ở đây vẫn có thể bán sang Ấn Độ, châu Âu và các nơi khác.
“Một số nhà máy cũ kỹ trong khu vực có thể sẽ đóng cửa nhưng các nhà máy mới hơn sẽ duy trì hoạt động nếu tìm được thị trường thay thế”, ông nói.
Theo Bloomberg