(KTSG Online) - Năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã về đích ngoạn mục với 7,2 tỉ đô la Mỹ. Đây là năm đầu tiên ngành rau quả vượt qua ngưỡng 7 tỉ đô la Mỹ. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.
- Hiệp định thương mại là ‘động lực’ thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam
- Nâng chất sản phẩm để tiếp đà kỷ lục xuất khẩu ngành nông nghiệp
Tại Đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ 5 tổ chức ở TPHCM vào ngày 6-1, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ 4, thông tin kim ngạch xuất khẩu rau quả từ năm 2020 đến 2022 liên tục giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, TTXVN đưa tin.
Từ đầu năm 2023, thế giới cơ bản khống chế được dịch bệnh. Xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và đạt tốc độ cao vào cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 đạt 5,6 tỉ đô la Mỹ so với gần 3,4 tỉ đô la Mỹ năm 2022 tăng 67%. Năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2023, xuất khẩu rau quả bứt tốc và về đích ngoạn mục với 7,2 tỉ đô la Mỹ (tăng khoảng 27,1% so với năm 2023). Đây là năm đầu tiên ngành rau quả vượt qua ngưỡng 7 tỉ đô la Mỹ.
Dựa trên cơ sở tăng trưởng những năm vừa qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.
Để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, ngành rau quả định hướng theo xu hướng kinh tế xanh, giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ cao, thực hành các quy trình chuẩn trong sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Trong năm qua, thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam được mở rộng và tăng trưởng mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi, trong đó có các FTA quan trọng như CPTPP, RCEPT, EVFTA, UKVFTA, ACFTA...
Ngành hàng rau quả Việt Nam đã vươn tới hơn 80 quốc gia và khu vực thế giới. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Úc,…
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo trong những năm tới thị trường xuất khẩu còn tiếp tục phát triển mở rộng với các khu vực chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, các nước Asean, Liên minh châu Âu (EU)…
Tuy nhiên, hiện ngành rau củ cũng đối mặt với không ít thách thức từ biến đổi khí hậu, tình hình sâu bệnh gây hại, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến tuổi thọ vườn trồng, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, tinh vi hơn và có xu hướng tăng cao ở tất cả các thị trường.