Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngành sản xuất của Mỹ khó khôi phục vì nạn ‘khát’ chip

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành sản xuất của Mỹ khó khôi phục vì nạn ‘khát’ chip

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tình trạng thiếu chip bán dẫn, linh kiện quan trọng của ô tô, điện thoại thông minh (smartphone), tủ lạnh và các thiết bị điện tử khác, đang tạo ra một thách thức sớm đối với cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc khôi phục ngành sản xuất của Mỹ vốn sa sút do tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng với sứ mệnh vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới và khôi phục ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là ở lĩnh vực ô tô và bán dẫn. Nhưng chỉ một tháng sau khi ông nhậm chức, tình trạng thiếu chip bán dẫn lan rộng trên toàn cầu, khiến hàng loạt nhà máy lắp ráp ô tô ở Mỹ phải đóng cửa, làm đình trệ các lô hàng điện tử tiêu dùng và quan trọng hơn là gây hoài nghi về tính an ninh của chuỗi cung cứng Mỹ.

Ngành ô tô tổn thất nặng nề

Tình trạng khan hiếm chip tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các hãng xe ở Mỹ vì hoạt động lắp ráp xe phụ thuộc vào hàng chục con chip ở các linh kiện điện tử điều khiển động cơ, hệ thống truyền động, hệ thống giải trí, phanh và các hệ thống khác. Hai hãng xe General Motors (GM) và Ford ước tính lợi nhuận hoạt động của họ sẽ tổn thất từ 1 tỉ đến 2,5 tỉ đô la trong năm nay do thiếu chip. GM đã tạm dừng sản xuất ở ba nhà máy ở Mỹ, Canada và Mexico cho đến ít nhất là giữa tháng 3.

Ngành sản xuất của Mỹ khó khôi phục vì nạn 'khát' chip
Công nhân làm việc ở nhà máy lắp ráp ô tô của hãng General Motors tại TP. Kansas, bang Kansas, Mỹ. General Motors cho biết tình trạng thiếu chip sẽ làm lợi nhuận hoạt động của hãng suy giảm 1,5-2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021. Ảnh: Detroit Free Press

Các nhà kinh tế nhận định tác động của ‘cơn khát’ chip của ngành công nghiệp ô tô đối với nền kinh tế Mỹ có thể không lớn nhưng đáng chú ý. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng ở Công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, dự báo tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm doanh số xe mới ở Mỹ khoảng 450.000 chiếc trong năm 2021. Điều này sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ mất mát gần 15 tỉ đô la, tức chưa đến 0,1% GDP của Mỹ vốn được dự báo tăng trưởng 5,6% trong năm nay.

Hãng tư vấn AlixPartners dự báo tình trạng khan hiếm chip sẽ làm tổn thất 60,6 tỉ đô la doanh thu của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm nay. Theo các nhà phân tích, tình trạng thiếu chip một phần là do xu hướng hợp nhất và cạn kiệt hàng tồn trong ngành chip trước đại dịch Covid-19. Tiếp đó, dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất chip rồi đẩy tăng nhu cầu chip ở các thiết bị điện tử hỗ trợ làm việc từ xa và giải trí tại nhà.

Sốt sắng tìm giải pháp cho ‘cơn khát’ chip

Hiện tại, các quan chức Nhà Trắng sốt sắng tìm cách giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trước mắt.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan và Brian Deese, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ (NEC), đang tham gia các nỗ lực tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn ở các chuỗi cung ứng chip của các hãng xe Mỹ.

Nhà Trắng cũng yêu cầu các đại sứ quán Mỹ xác định phương án mà các quốc gia và các công ty chip nước ngoài có thể hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu. Nỗ lực này bao gồm kêu gọi chính quyền Đài Loan, quê hương của hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC, tìm cách tăng nguồn cung chip. Song Nhà Trắng cũng hiểu rằng các phương án giảm nhẹ ‘cơn khát’ thiếu chip có thể hạn chế vì cuộc cạnh tranh mua chip bán dẫn đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu. 

Giới phân tích cho biết nhiều hãng chip đã vận hành gần hết công suất và phải mất nhiều tháng để nâng cao sản lượng. John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm mất cân bằng giữa cung và cầu chip bán dẫn trong ngắn hạn.

Ông nói: “Các hãng chip đang làm việc cật lực để đáp ứng nhu cấu của ngành ô tô và các ngành khác nhưng những sản phẩm chip phức tạp có thể mất nhiều tháng để sản xuất”. Neuffer nói điều cấp thiết đối với chính phủ Mỹ là phải đầu tư ngay từ bây giờ vào hoạt động sản xuất và nghiên cứu bán dẫn ở trong nước.

Hôm 18-2, SIA, Phòng Thương mại Mỹ và các hiệp hội doanh nghiệp khác đã gửi thư cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, kêu gọi Nhà Trắng làm việc với Quốc hội Mỹ để hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu bán dẫn ở trong nước. Về dài hạn, chính phủ Mỹ muốn giảm phụ thuộc nguồn cung chip từ nước ngoài.

Hãng tin CNBC hôm 18-2 cho biết Nhà Trắng đã soạn thảo một sắc lệnh hành pháp, trong đó, Tổng thống Biden yêu cầu một nhóm chuyên trách của chính quyền đánh giá sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng bán dẫn, pin xe điện, thiết bị y tế và các kim loại đất hiếm ở nước ngoài. Sau khi hoàn tất báo cáo đánh giá, nhóm chuyên trách này sẽ trình cho Biden các đề xuất bao gồm thỏa thuận ngoại giao, điều chỉnh dòng chảy thương mại và những giải pháp khác để ngăn chặn tình trạng độc quyền của chuỗi cung ứng các hàng hóa, vật liệu quan trọng nói trên.
Dù không nhắc đến Trung Quốc nhưng sắc lệnh này có thể là một phần quan trọng của nỗ lực đánh giá sự phụ thuộc của nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Người phát ngôn của Nhà Trắng nói rằng trọng tâm của sắc lệnh là nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ các nước không thân thiện hoặc không đáng tin cậy

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới