Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành sản xuất trăn trở lo âu thiếu đơn hàng ngay đầu năm mới

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động và nhiều khó khăn của năm nay. Tuy nhiên, niềm vui với thành tích tăng trưởng xuất khẩu này đang nhường chỗ cho nỗi lo thiếu đơn hàng vào năm tới của nhiều doanh nghiệp.

Ngành dệt may 11 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều doanh nghiệp đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh. Ảnh minh họa: TL

Thông tin từ Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy đến trung tuần tháng 12 vừa qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 700 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước đến nay khi chưa đầy 1 năm. Nếu chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm nay đạt 673,7 tỉ đô la thì cũng đã phá vỡ kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu đạt được của cả năm ngoái là 668,54 tỉ đô la.

Trong đó đáng lưu ý là cán cân thương mại thặng dư được 10,68 tỉ đô la, với kim xuất khẩu gần 342,2 tỉ đô la, tăng 13,4%, tương ứng tăng 40,5 tỉ đô la so với cùng kỳ năm trước.

Và theo thống kê của cơ quan hải quan, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam năm nay đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả ấn tượng trên được giới phân tích cho là những nỗ lực từ cấp chính phủ, các bộ ngành và chính các doanh nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nhiệp đã tận dụng và khai thác tương đối hiệu quả những lợi ích mang lại từ hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2022 cũng đánh dấu lần đầu tiên, có quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với giá trị lên đến 100 tỉ đô la/năm. Đó là thị trường Mỹ, chỉ trong 11 tháng đầu năm nay đã nhập khẩu với giá trị là hơn 101 tỉ đô la, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong 11 tháng qua đã vượt cả năm 2021 (năm ngoái đạt 96,27 tỉ đô la).

Cơ quan Hải quan đánh giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) của Việt Nam đã đạt 5.146 tỉ đô la. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỉ đô la, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.

Với xếp hạng gần đây trong năm 2021, WTO ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore). Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của Việt Nam có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Ngành thuỷ sản cũng đang gặp khó vì sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Chiến sự giữa Nga-Ukraine chưa có hồi kết, đi kèm với lạm phát tăng cao, khủng hoảng năng lượng, chính sách điều hành tiền tệ thay đổi nhanh chóng… tại các nền kinh tế lớn của thế giới đang tác động trực tiếp đến hoạt động chi tiêu và mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu. Từ đó, dẫn đến việc các nhà mua hàng toàn cầu cắt giảm dần đơn hàng đối với các nhà xuất khẩu, nhà gia công tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Hệ lụy kéo theo là hàng loạt nhà sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam bị sụt giảm mạnh đơn hàng, đồng thời lượng hàng tồn kho tăng lên.

Đơn cử, ngành thủy sản dù năm nay có kết quả tăng trưởng cao ấn tượng, đặc biệt là cuối quí 2 đầu quí 3 xuất khẩu thủy sản liên tiếp lập kỷ lục với giá trị đạt trên 1 tỉ đô la/tháng, nhưng kết quả xuất khẩu thủy sản trong tháng 11 vừa qua chỉ đạt 780 triệu đô la, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tháng đầu tiên trong năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu của ngành ở mức âm. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ trong tháng 11-2022 bị giảm sâu 20-26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, chia sẻ khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là thiếu đơn hàng vào ngay mùa cao điểm tiêu thụ nguyên liệu. VASEP dự báo tình hình tăng trưởng âm sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 12-2022 và có thể kéo dài sang cả quí đầu năm 2023.

Trong khi đó, dệt may là một trong những ngành mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thế mạnh trên thế giới, nhất là thị trường Mỹ và EU,… nhưng cũng rơi vào khó khăn tương tự do lạm phát tăng cao và khó khăn kinh tế. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nhiều doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Lượng đơn hàng tháng 11 và 12-2022, quí 1-2023 giảm đến 25-27%. Đáng chú ý, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, khó khăn trong việc mua nguyên phụ liệu, tỷ giá chênh lệch.

Ảnh: Dây chuyền chế biến thịt mát của công ty Masan

Doanh nghiệp sản xuất giày da và đồ gỗ cũng chịu chung cảnh ngộ. Khan hiếm đơn hàng, nhiều doang nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc tạm hoãn hợp đồng, thậm chí là đóng bớt nhà xưởng sản xuất, cắt giảm nhiều lao động,… Trước đây, vào dịp cuối năm công nhân vẫn bận rộn tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất đi châu Âu và chuẩn bị cả đơn hàng cho năm sau, thế nhưng hiện nay, hàng chục ngàn lao động đang trong tình cảnh thiếu việc làm, phải giảm giờ làm hoặc nghỉ Tết Nguyên đán sớm một tháng.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest), dẫn chứng nhiều doanh nghiệp hiện tại vẫn chưa có đơn hàng cho năm 2023, trong khi hàng tồn kho còn nhiều, phải hạn chế sản xuất, cắt giảm nhân công.

Doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu đang bị tồn kho nhiều và sụt giảm mạnh đơn hàng. Ảnh minh họa: Viforest

Với những sản phẩm và phụ kiện có giá trị lớn như nhóm điện thoại và linh kiện trong tháng 11 ghi nhận khoảng 5 tỉ đô la, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đi lùi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lũy kế 11 tháng, sản lượng mặt hàng này cũng giảm hơn 7%.

Không chỉ nhóm hàng điện thoại và các thiết bị điện tử, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm so với cùng kỳ 2021. Cơn “gió nghịch mùa” suy thoái kinh tế toàn cầu khiến tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 giảm 8,4% xuống còn gần 29,2 tỉ đô la và dự báo sẽ tiếp tục kéo tăng trưởng xuống nữa khi kết thúc năm nay.

Ảnh: Công ty 3F

Trước diễn biến khó khăn hiện hữu, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tái cấu trúc, tìm kiếm thị trường lẫn những kênh xúc tiến thương mại, bán hàng mới để tạo việc làm và giữ đà tăng trưởng xuất khẩu.

Trong khi đó Bộ Công Thương cho biết sẽ phát huy vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới và cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý với doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường. Trong đó cần tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

Theo đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Ảnh: TL

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới