Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành thép lúng túng vì phôi thép 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành thép lúng túng vì phôi thép 

Ngành sản xuất thép trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn phôi thép nhập khẩu – Ảnh: Báo Thương mại

(TBKTSG Online) – Mọi sự điều chỉnh chính sách liên quan đến ngành thép ở Trung Quốc lập tức có ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam. Tìm nguồn phôi thép vẫn đang là bài toán khó giải đối với ngành này. 

Vì sao giá thép tăng?

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết giá phôi nhập khẩu tăng 2,5-3 lần trong thời gian qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới (có thể lên đến 700 đô la Mỹ/tấn vào đầu năm 2008) bắt nguồn từ việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách quy định đối với ngành thép nước này. Dự kiến từ 1-1-2008, thuế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc tăng đến 20-25%, thuế xuất khẩu thép thành phẩm cũng tăng 10-15%, tùy loại.

Ngoài ra, Trung Quốc (nơi Việt Nam nhập khẩu đến 70% nhu cầu thép phế liệu để sản xuất phôi) sẽ còn tiến hành một số biện pháp điều hành vĩ mô liên quan đến việc đóng cửa hay hạn chế các nhà máy sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu. Đó là chưa kể đến chi phí đầu vào cho điện, nước, chi phí vận chuyển và bảo vệ môi trường… khiến giá thép ở nước này có tác động trực tiếp đến việc tăng giá hiện tại của ngành thép Việt Nam.

“Chi phí phôi thép chiếm đến 90% giá thành sản xuất (nếu nhập khẩu) và khoảng 50% đối với doanh nghiệp vừa sản xuất vừa nhập phôi. Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải nhập khẩu 60% nguồn phôi từ nước ngoài nên giá thép trong nước điều chỉnh liên tục theo chiều tăng lên là không thể tránh khỏi”, thạc sĩ Trần Mỹ Dung, chuyên gia về giá thép ở Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), giải thích.

Trong quy định hiện hành, thép xây dựng vẫn thuộc danh mục hàng hóa mà nhà nước phải sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá cả biến động thất thường. Nhưng trái với ngành xi măng mới được “cởi trói” để doanh nghiệp tự quyết định giá bán, các doanh nghiệp thép đã được trao quyền tự quyết về giá từ lâu và việc cầu cao hơn cung (dịp cuối năm), sức ép về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, bị động nguyên liệu đầu vào và các sức ép khác đã khiến việc bình ổn giá trở nên khó thực hiện.

Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra một ví dụ: năm 2007, sản lượng phôi sản xuất đạt khoảng 2 triệu tấn, đáp ứng 40% nhu cầu. Riêng Tổng công ty Thép Việt Nam dự kiến đạt khoảng 850.000 tấn, tương đương 60% nhu cầu. “Nhưng 60% nhu cầu này chỉ là sản lượng của 4 doanh nghiệp nhà nước. Trong khi 21 nhà sản xuất còn lại là các công ty liên doanh với nước ngoài, các công ty cổ phần, tư nhân, 100% vốn nước ngoài vẫn cạnh tranh quyết liệt về giá”, ông Nguyễn Tiến Nghi nói.

Nói một cách khác, thị phần tiêu thụ thép của các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ là 36%, không đủ sức bình ổn giá thị trường theo chức năng nếu muốn. Ấy là chưa kể đến hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều điều đáng bàn so với các doanh nghiệp còn lại. Công ty gang thép Thái Nguyên bán hàng theo hệ thống chi nhánh (5 chi nhánh ở 5 tỉnh, chia khu vực bán lẻ đến tay người tiêu dùng). Các doanh nghiệp khác phân phối qua 30 công ty cấp 1 trong cả nuớc. Và mỗi nhà sản xuất lại có chừng 10-15 nhà phân phối cấp 1. Các nhà phân phối này lại không độc quyền phân phối cho một nhà sản xuất nào.

“Thép tăng giá một phần cũng do doanh nghiệp sản xuất phó mặc giá bán cho các đơn vị phân phối. Vì vậy có hiện tượng nhà máy không tăng giá hoặc tăng ít nhưng trung gian lại tăng cao”, bà Trần Mỹ Dung, chuyên gia về thép ở Cục quản lý giá, nhận xét. · 

Tìm nguồn nguyên liệu ở đâu?

Chủ động nguồn phôi sản xuất trong nước để tránh phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu là yêu cầu số một của ngành thép hiện nay. Nhưng nguồn nguyên liệu như quặng sắt, than mỡ, dầu và một số nguyên liệu khai thác từ lòng đất ngày càng cạn kiệt, chi phí cao.

Hơn nữa, Chính phủ lại bắt đầu siết chặt việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô nên các doanh nghiệp trong nước càng lúng túng hơn trong việc tìm nguồn nguyên liệu và vẫn trông chờ vào việc nhập thép phế liệu để sản xuất phôi.

“Ngay trong việc nhập khẩu thép phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc vận dụng thực hiện điều 42 và 43 trong Luật Bảo vệ môi trường nên thép phế liệu hiện nay bị ách tắc và tốn kém chi phí cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Nghi nói. Theo ông, từ năm ngoái, Luật bảo vệ môi trường ngăn chặn nhập rác thải nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn cần nguồn phế liệu này (qua cảng Hải Phòng ước chừng 1 triệu tấn/năm). Và mỗi ngày chưa thông quan, doanh nghiệp phải chịu thuế lưu kho bãi 10 đô la Mỹ/container, tức là mỗi tấn sản phẩm bị đội thêm từ 2 đến 3 đô la Mỹ.

Theo ông Nghi, giá nhập khẩu nguồn nguyên liệu còn tăng cao hơn nữa là vì Việt Nam không có cảng nước sâu, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu nên các doanh nghiệp nhập thép phế liệu trong container với giá thành cao hơn nhập tàu chuyên dụng với khối lượng lớn.

Rất nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập thị trường Lào để khai khoáng, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất vì các điều kiện đầu tư của Chính phủ Lào hiện nay đang mở. Tuy nhiên, mới chỉ có Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghệp đầu tiên ở Việt Nam biến dự án này thành hiện thực.

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ngày 7-12, Chính phủ Lào đã có văn bản đồng ý cho Hòa Phát thăm dò quặng sắt tại tỉnh HouaPhan, trên diện tích 112,4km2. Hòa Phát sẽ trình dự án xây dựng nhà máy chế biến quặng sắt công suất 300.000 tấn/năm tại đây, phục vụ cho dự án khu liên hợp gang thép của tập đoàn từ năm 2008.

Dự án khởi đầu này quy mô chưa phải là lớn nhưng đó cũng là một hướng đi cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, giảm bớt bị tác động bởi thị trường Trung Quốc và thế giới.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới