Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành thép trước ngưỡng cửa chu kỳ mới

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lợi nhuận ngành thép dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nay và dần phục hồi vào cuối năm nhờ khả năng phục hồi nhu cầu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh tế Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định về tăng trưởng do lãi suất và lạm phát gia tăng thời gian qua. Nhưng nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới và trong nước nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi từ cuối quý 2-2023.

Song hành cùng sự phục hồi của nền kinh tế, ba lĩnh vực gồm thép, ngân hàng và chứng khoán được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.

Một xưởng thép thuộc Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh minh họa: website doanh nghiệp

Ngành thép trong cơn bão suy giảm

Đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 với mức tăng trưởng bằng lần so với 2020. Riêng Hòa Phát, doanh nghiệp nắm giữ 36% thị phần thép xây dựng và 29% thị phần ống thép, báo doanh thu năm 2021 ở mức 150.800 tỉ đồng - tăng 65%, lợi nhuận sau thuế ở mức 34.520 tỉ đồng - tăng 156%.

Với kết quả đó, nhiều công ty chứng khoán đưa ra dự báo ngành thép sẽ tiếp tục gặp thuận lợi nhờ công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19, khi các công trình xây dựng, dự án bất động sản hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, những yếu tố bất lợi gồm: giá nguyên liệu đầu vào tăng nhanh do xung đột Nga – Ukraine; Trung Quốc - quốc gia chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới - thực hiện chính sách “Zero Covid” dẫn tới giảm nhu cầu tiêu thụ; nhu cầu xây dựng trong nước giảm; áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép từ quý 2-2022.

Sang quý 3 và quý 4, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng xấu đi khi Hòa Phát lần đầu báo lỗ sau 13 năm với lợi nhuận sau thuế quý 3 âm 1.786 tỉ đồng.

Tương tự, Thép Nam Kim ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 400 tỉ đồng trong quý 3-2022 với doanh thu giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ. Hoa Sen cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm khoảng 887 tỉ đồng vào quý cuối niên độ 2021-2022, trong khi cùng kỳ ghi nhận lợi nhuận hơn 940 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là đáy lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép. Dù chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, Hoà Phát đã thông tin về kết quả kinh doanh quý 4-2022 với doanh thu 26.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế sau thuế âm gần 2.000 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh ngành thép giảm sút do nhiều khó khăn kéo đến cùng lúc. Cụ thể, giá thép ghi nhận 15 lần giá thép giảm liên tiếp, từ mức 19 triệu đồng một tấn xuống khoảng 14,5-15 triệu đồng tính từ giữa tháng 5-2022 đến cuối tháng 8-2022. Đầu tháng 9, giá thép tăng nhẹ trước khi giảm 2 lần liên tiếp về mức 14 triệu đồng một tấn, tương đương giai đoạn cuối năm 2020.

Giá thép sụt giảm, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng do doanh nghiệp bất động sản, xây dựng gặp các khó khăn về pháp lý và vốn cũng góp phần khiến sản lượng tiêu thụ thép tại thị trường Việt Nam giảm mạnh.

Để giảm gánh nặng chi phí, không ít doanh nghiệp đã phải tiết giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNsteel phải gửi thông báo đến cán bộ, nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12-2022. Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty cổ phần Thép Pomina ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ, công nhân viên các bộ phận.

Hoà Phát cũng phải tạm dừng hoạt động 4 lò cao, gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương từ tháng 11-2022.

Chờ đợi và hy vọng... tín hiệu tích cực

Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thay đổi, triển vọng ngành thép năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm.

Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp thép năm 2023 cũng chịu áp lực từ sự ảm đảm của thị trường bất động sản dân cư.

Đồng quan điểm, bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Reseach) dự báo nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Cụ thể, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng giai đoạn năm 2021, theo thông tin từ Bộ Xây dựng. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.

Kênh hộ gia đình, từng có khả năng phục hồi tốt hơn, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. Do đó, nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023.

Với nửa cuối năm 2023, VNDirect kỳ vọng nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào cho nhu cầu thấp của lĩnh vực bất động sản nhà ở đối với sản phẩm thép.

Với thị trường quốc tế, VNDirect cho biết hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng này đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, trong khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép toàn cầu phục hồi.

Tương tự, cáo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng việc Trung Quốc thực thi mạnh mẽ nhiều chính sách giải cứu thị trường bất động sản là yếu tố giúp ngành thép có thêm động lực tăng trưởng, nhất là sau khi nước này dỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và mở cửa trở lại.

Còn SSI Research cho biết nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ trong khoảng 1-2% trong năm 2023, điều này được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm.

“Nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu, do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021, nhưng sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng”, SSI Research cho biết.

Thực tế, Thị trường thép xây dựng nội địa cũng đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên trong năm 2023, trong vòng vài tuần qua, nhiều thương hiệu thép đã điều chỉnh giá bán vài lần với biên độ dao động tăng khoảng 300.000-600.000 đồng một tấn. Theo đó, thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,94 triệu đồng một tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng kể từ tháng 12-2022 sau khi liên tục giữ giá. Thép Việt Ý với dòng thép cuộn CB240 có giá 14,9 triệu đồng một tấn, còn thép D10 CB300 có giá 15 triệu đồng một tấn.

Với mức điều chỉnh này, giá bán bình quân thép xây dựng của Việt Nam tính từ đầu tháng 12 cho tới nay tăng 0,4-1% so với tháng 11-2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng của các nước trên thị trường thế giới là 2,9-4,7%, tùy theo khu vực. Do đó, dư địa tăng giá bán và nâng cao năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam còn nhiều.

Đà phục hồi của ngành thép, theo VNDirect, cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự thay đổi về giá của một số nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 đô la Mỹ một tấn của năm 2022 xuống khoảng 220-258 đô la Mỹ trong năm 2023-2024 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại. Giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức trung bình 110 đô la Mỹ một tấn trong năm 2022 xuống khoảng 70-90 đô la Mỹ trong năm 2023-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới