Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành thép với những cuộc điều tra phòng vệ thương mại

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Do đặc thù là một ngành công nghiệp xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia nên thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.

Thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Nguồn: hoaphat.com

Đối mặt nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại

Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép của Việt Nam đã liên tục phát triển và đạt được những bước tiến bộ đáng ghi nhận, giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất thép lớn thứ 13 trên thế giới, đồng thời đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép hiện nay gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của ngành bất động sản dẫn đến nhu cầu thép đầu vào giảm; giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất cao; tồn kho thép ở mức cao, doanh nghiệp thiếu đơn hàng... Bên cạnh đó, những “nút thắt” liên quan đến năng lực sản xuất dài hạn các sản phẩm chất lượng cao cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành này.

Nhìn lại quá khứ, công nghệ sản xuất thép của Việt Nam trước đây ở mức khá khiêm tốn với quy mô sản xuất nhỏ, phân tán và lạc hậu. Đến giai đoạn 2010-2015, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, một số dự án thép đã cải thiện được quy mô sản xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2022, các doanh nghiệp thép trong nước đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ với việc một số nhà máy được đầu tư tương đương tầm cỡ thế giới, trong đó Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát đã có sự đồng bộ cả về sản lượng và thiết bị cán, đúc.

Do đặc thù là một ngành công nghiệp xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia nên thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Theo thống kê, tính đến hết tháng 5-2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép... Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Úc..., trong đó Mỹ là nước điều tra nhiều nhất đối với thép có xuất xứ từ Việt Nam.

Nếu mức thuế chống bán phá giá sớm được áp dụng đối với thép HRC, các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Hòa Phát hay Formosa sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, sau một thời gian dài không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, vào tháng 8-2023, EU đã tiến hành điều tra đối với thép không gỉ cán nguội của Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Tiếp đến, nhằm hạn chế nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) từ các quốc gia khác, EU đã đề xuất gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm hai năm nữa, tức là đến hết tháng 6-2026. Ngoài ra, EU cũng đang đề xuất giới hạn hạn ngạch nhập khẩu thép HRC đối với mỗi quốc gia trong hạng mục “các quốc gia khác” ở mức 15% tổng hạn ngạch phân bổ cho hạng mục này. Theo dữ liệu của hải quan châu Âu, hạn ngạch cho danh mục biện pháp tự vệ của các nước ngoài liên minh là 3,7 triệu tấn vào năm 2023.

Do đó, mức trần 15% sẽ tương đương với giới hạn khoảng 550.000 tấn/năm cho mỗi quốc gia, tức là khoảng 50% khối lượng xuất khẩu thực tế của Việt Nam sang châu Âu trong năm 2023. Phần sản lượng vượt hạn ngạch sẽ chịu mức thuế 25%.

Theo tính toán, thị trường châu Âu lần lượt chiếm 10% và 37% tổng doanh thu xuất khẩu của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023 nên những biện pháp bảo hộ trên có thể ảnh hưởng phần nào đến tình hình kinh doanh của Hòa Phát. Tuy nhiên, điểm tích cực là Hòa Phát đang mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ, nên rủi ro cũng sẽ được phân tán phần nào.

Bảo hộ sản xuất thép trong nước

Về phía Việt Nam, các bộ, ban ngành và doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp kịp thời và tích cực nhằm bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước. Cụ thể, vào ngày 3-5-2024, Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam thông báo đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm (tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm trong nước như Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á, Hòa Phát trước các sản phẩm nhập khẩu.

Theo dữ liệu từ Cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,16 triệu tấn thép mạ kẽm trong năm 2023 và khoảng 960.000 tấn trong năm 2022, tương đương khoảng 27% và 22% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm này của toàn ngành vào năm 2023 và 2022. Trong trường hợp Bộ Công Thương đồng ý mở cuộc điều tra thì quá trình điều tra có thể kéo dài 12-18 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá (nếu có) sẽ được áp dụng sớm nhất vào cuối năm 2025.

Với mặt hàng thép HRC, mới đây Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam đã phát đi thông báo xác nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại. Hồ sơ này được Hòa Phát và Formosa gửi đến cơ quan điều tra vào cuối tháng 3 vừa qua. Sau đó, cơ quan điều tra đã hai lần đề nghị phía doanh nghiệp bổ sung thêm thông tin, tài liệu để hoàn thiện vào tháng 4 và tháng 5-2024.

Về mặt số liệu, hiện tại, nhu cầu thép HRC của Việt Nam vào khoảng 10-11 triệu tấn/năm trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ ở mức 8,5 triệu tấn/năm. Thép HRC là sản phẩm đầu ra của Hòa Phát và Formosa nhưng là sản phẩm nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp thép mạ kẽm và ống thép.

Trước đây khi Việt Nam chưa sản xuất được thép HRC thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Việc đầu tư sản xuất thép HRC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao. Dữ liệu mấy năm trở lại đây cho thấy thép HRC có xu hướng ồ ạt nhập về Việt Nam.

Cụ thể, tổng lượng nhập khẩu thép HRC trong tháng 5-2024 tăng 20% so với tháng 4-2024. Lũy kế nhập khẩu thép HRC năm tháng đầu năm 2024 đạt hơn năm triệu tấn, chiếm 176% so với lượng sản xuất trong nước.

Đáng chú ý, về khía cạnh giá, thép HRC từ Trung Quốc thấp hơn hẳn các quốc gia khác từ 48-186 đô la Mỹ/tấn nên rất cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thép HRC nhiều nhất trong tháng 5-2024 là Kim Quốc, Thép Vương, Tôn Đông Á, Hoa Sen; Thép Nam Kim.

Tương tự như mặt hàng thép mạ kẽm, nếu mức thuế chống bán phá giá sớm được áp dụng đối với thép HRC, các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Hòa Phát hay Formosa sẽ được hưởng lợi đáng kể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới