(KTSG Online) - Đến nay, Việt Nam đã lắp thiết bị giám sát hành trình trên 28.605 chiếc tàu cá, tương đương 98,2%, cùng với đó là hoàn thiện thể chế, cơ bản phù hợp quy định quốc tế, đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) cho lần thanh tra thứ 5 về "thẻ vàng" IUU.
- Thẻ vàng IUU là thách thức của ngành thuỷ sản trong năm 2024
- Đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản trong lần thanh tra thứ 5 của EC
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong thời gian qua, với quyết tâm gỡ "thẻ vàng" thủy sản, các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
TTXVN đưa tin, tại hội nghị “Cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 4-2024,” do Cục Thông tin đối ngoại phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền tổ chức ngày 11-4, Cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, cho biết để tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam. Đó là hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết các đoàn kiểm tra của bộ chưa phát hiện lỗi nghiêm trọng.
Theo Cục Thuỷ sản, dự kiến vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2024, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam để tiến hành đợt kiểm tra lần thứ 5 về việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU. Đợt thanh tra lần thứ 5 này được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU, với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” sau lần thanh tra này.
Trước đó, trong lần kiểm tra thứ 4 vào tháng 10-2023, đoàn thanh tra EC ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam nhưng vẫn chưa gỡ "thẻ vàng" IUU cho Việt Nam.