(KTSG Online) - Nhịp hồi phục cuối tuần trước (22-4) tưởng chừng sẽ giúp cho nhà đầu tư bình tâm trở lại và qua đó tạo điều kiện để hỗ trợ thị trường hồi phục. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên ngày thứ Hai đầu tuần (25-4) lại theo một hướng hết sức tiêu cực khi VN-Index rơi tự do.
- Bản tin podcast cuối tuần: Chứng khoán ‘bốc hơi’ hàng chục tỉ đô la vốn hóa
- Sớm triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
VN-Index khởi đầu thận trọng, có lúc tăng nhẹ trước khi bất ngờ lao dốc từ cuối phiên sáng. Một số phân tích được đưa ra trong buổi trưa nay đó là vòng xoáy margin đang lặp lại, khi thị trường giảm đến ngưỡng nào đó và không thể bật tăng trở lại, lực bán giải chấp sẽ tăng lên từ một nhóm ngành lan tỏa ra toàn bộ thị trường. Nguyên lý “hòn tuyết lăn” khi đã lăn thì ngày càng lớn với tốc độ càng cao vì thu thập thêm các bông tuyết rơi vãi dọc đường.
Điều này khiến cho áp lực bán tháo trên diện rộng còn diễn ra mạnh mẽ hơn trong phiên chiều khiến chỉ số chính sàn HoSE đóng cửa giảm hơn 68 điểm, tương ứng giảm 4,95%, dừng ở mức 1.310 điểm. Chỉ số VN30-Index thậm chí giảm 77,93 điểm, tương ứng 5,4%. Về tương đối, mức giảm 4,95% là mức giảm mạnh nhất trong 15 tháng gần đây, kể từ phiên 28-01.
Mức giảm điểm khi đóng cửa có thể chưa thể hiện hết bi kịch của thị trường trong phiên khi VN-Index giảm gần hết biên độ, gần 6% trên tổng mức 7% tối đa ở thời điểm 14h chiều. Đa số nhà đầu tư không biết chuyện gì đang và sắp diễn ra khiến chứng khoán có màn giảm điểm với biên độ kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây. Chính xác là xấp xỉ bằng các phiên giảm lớn nhất tháng 3-2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đây là thời điểm thi trường gần như chìm trong sắc đỏ và xanh lơ, trên khắp các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư đua nhau gỡ ứng dụng chứng khoán coi như "mắt không thấy, tai không nghe, tim không đau" khi nói về cổ phiếu mình cầm đang giảm mạnh. Đặc biệt, nhà đầu tư không may giữ hàng ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhóm cổ phiếu nóng, tài khoản đã bị thổi bay 40- 50% chóng vánh trong tháng 4. Đà giảm của cổ phiếu nóng, cổ phiếu đầu cơ được ví như "rơi tự do".
Lý giải cho diễn biến này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư - Maybank Investment Bank chỉ ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 1,000 điểm. Thứ hai, áp lực thắt chặt tiền tệ từ các Ngân hàng Trung ương và thứ ba là do dòng tiền chảy vào kênh đầu tư an toàn như tiết kiệm trong ngân hàng đang tăng. Ông Khánh cũng khuyến nghị trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường và chờ đợi thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng cú giảm mạnh trong phiên hôm nay bất ngờ và nằm ngoài mọi phân tích. Theo quan sát, nguyên nhân lực bán mạnh dồn đến nhóm cổ phiếu cơ bản khiến lượng ở nhóm này tăng lên thêm.
Những phiên đầu tuần trước thị trường cũng lao dốc, song áp lực chủ yếu tập trung ở những nhóm đầu cơ, nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn tăng tốt. Điều này khiến nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu vẫn còn trú ẩn ở nhóm cổ phiếu cơ bản. Tuy nhiên, áp lực bán tháo cổ phiếu cơ bản diễn ra trong phiên cuối tuần trước đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị tác động nặng nề khi hết dòng này đến dòng kia bị bán tháo.
"Nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng thị trường sẽ hồi phục mạnh như năm 2021 nên nhiều người tranh thủ bắt đáy ở những ngưỡng hỗ trợ như 1.420, 1.400 hay 1.350 điểm. Tuy nhiên, khi tất cả những ngưỡng này đều bị xuyên thủng thì tâm lý nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin. Rõ ràng đang có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ giẫm lên nhau rời khỏi thị trường", vị chuyên gia nhận định.
Với diễn biến này của thị trường thì câu hỏi “đâu là đáy của VN-Index” sẽ tương ứng với câu trả lời rằng khi “lượng margin” (giao dịch ký quỹ) về ngưỡng thấp. Tuy vậy thấp đến bao nhiêu thì chưa thể biết vì số liệu thống kê margin của thị trường chỉ có tính tương đối.
Trong sự tương quan so sánh với đợt giảm tháng 3-2020, VN-Index đã mất đi hơn 300 điểm từ ngưỡng 992 điểm trước đó với tỷ lệ khoảng 30% trong 2 tháng, thì đợt giảm điểm này bắt đầu từ 4-4, VN-Index đã mất đi 230 điểm trong vòng 20 ngày tương ứng khoảng 15% thì rõ ràng nhà đầu tư có lý do để lo ngại.