Nghề tranh kiếng đang dần mai một
TRƯƠNG THANH LIÊM
(TBKTSG Xuân) - Trong những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp về huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi được xem là một trong những cái nôi sản sinh nghệ thuật làm tranh kiếng có từ trăm năm và đã trải qua nhiều thăng trầm.
Làm tranh kiếng ở Chợ Mới. |
Ông Trang Thế Hùng, 87 tuổi, ngụ xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới kể: “Hồi đó chỉ có những gia đình khá giả mới có tiền mua tranh kiếng mắc tiền thếp nhũ vàng, tranh cẩn xà cừ. Người nghèo thì mua loại nhỏ và sơ sài, rẻ tiền hơn. Từ đó, đội quân bán dạo tranh xứ này có mặt khắp nơi trên bộ, dưới sông rất tập nập, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán”.
Nhiều người chuyên phân phối tranh kiếng tại Chợ Mới kể thêm: “Huyện này trước đây có trên 400 hộ làm nghề tranh kiếng, làm ngày không xuể, làm cả ban đêm, nhất là dịp Tết. Sản phẩm bán khắp nơi, nhiều nhất là Sài Gòn, Bình Dương, Cần Thơ, Long Xuyên... Nhiều nhà có dư, cất nhà ngon lành”.
Nhiều bậc “cao thủ” của nghề này cho biết nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh rất mạnh ở huyện Chợ Mới. Ban đầu, các nghệ nhân dùng phương thức vẽ tranh lên giấy, sau thấy giấy mau hư nên vẽ lên các loại vải, lên chất liệu thiếc nhưng độ bền cũng không cao. Sau cùng, họ đã nghĩ ra biện pháp tối ưu là vẽ tranh trên kiếng, lồng tranh vào khung gỗ sẽ giúp tranh đạt được màu sắc rực rỡ và có độ bền lâu. Phương pháp thủ công xưa là phải vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh, những nghệ nhân bắt đầu áp dụng phương thức kéo lụa trên kiếng với nhiều ưu điểm vượt trội như: nhanh, đẹp, màu sắc rực rỡ, độ tương đồng giữa các bức tranh giống nhau, giá thành rẻ. Hiện nay, hầu hết các cơ sở vẽ tranh trên kiếng đều thực hiện cách làm hiện đại này.
Phần lớn nội dung tranh vẽ trên kiếng đều dựa theo điển tích lịch sử như Phật Thích Ca đi tu, Phật Bà Quan Âm... hay các câu chuyện cổ tích như Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ… Một số người mua lại thích tranh vẽ phong cảnh, quê hương đất nước hoặc những câu đối. Thường thì một bộ tranh kiếng có bốn khung: một khung hoành phi phía trên, một khung lớn ở giữa, hai khung liễn đối ở hai bên. Quy trình chế tác bao gồm: cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Giá bán hiện nay rất đa dạng, từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng tùy kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, độ dày của kiếng và độ tinh xảo của các nghệ nhân.
Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghề tranh kiếng là từ năm 1995-1998, lúc này huyện Chợ Mới có hơn 1.000 hộ làm nghề, thu hút hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại địa phương và các vùng lân cận đến tham gia. Nhưng từ năm 1999 đến nay, sức tiêu thụ tranh kiếng giảm mạnh khiến nhiều người phải bỏ nghề. Cả huyện giờ chỉ còn vài mươi hộ làm nghề.
“Nghề này được duy trì theo kiểu cha truyền, con nối, tụi tui có qua trường lớp gì đâu, chủ yếu là học “lóm” thôi. Giờ muốn giữ nghề khó quá bởi không có đầu ra, chỉ làm tới đâu hay tới đó”, ông Trần Thiện Tứ, ngụ xã Long Kiến, bùi ngùi nói.
Xem ra nghề vẽ tranh trên kiếng lâu đời đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không có các biện pháp tiêu thụ, quảng bá. Khi xuân đang về, Tết sắp đến nhưng đã vắng bóng rất nhiều những chuyến xe, chuyến tàu đầy ắp tranh kiếng ngược xuôi như trước đây…